Giảm ô nhiễm môi trường Vịnh Hạ Long từ việc nuôi trồng thủy sản

Thứ Năm, 15/06/2017, 08:29
Trong những năm qua, việc nuôi trồng thủy sản là nghề truyền thống của người dân các làng chài trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, việc này mang tính tự phát nên trở thành một thách thức lớn đối với việc bảo vệ môi trường và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.  


Trước đây, các lồng bè nuôi cá trên vịnh Hạ Long hầu hết được cấu tạo bằng các phao xốp để giữ bè nổi trên mặt nước. Sau khoảng 2-3 năm sử dụng, các phao xốp thường bị vỡ, bị rời thành các mảnh nhỏ trôi nổi trên vịnh gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường vịnh. Hình thức nuôi sử dụng cá tạp làm thức ăn có thể áp dụng đối với vùng nước có lưu tốc dòng chảy lớn hoặc vùng thủy lực lớn.

Vịnh Hạ Long, đặc biệt tại các khu vực làng chài là vùng biển kín, lưu tốc dòng chảy thấp, độ sâu mực nước thấp. Do đó, việc nuôi cá lồng áp dụng công nghệ truyền thống gặp nhiều rủi ro, ô nhiễm môi trường nước do hợp chất hữu cơ từ thức ăn hòa tan và phân cá thải ra ngoài môi trường nước.           

Trước thực trạng trên, tháng 4-2016, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt triển khai Đề án thí điểm nuôi trồng thuỷ sản bền vững gắn với du lịch có trách nhiệm trên Vịnh Hạ Long tại khu vực Vung Viêng. Đề án do UBND TP Hạ Long chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT và đơn vị điều phối dự án.

Dự án vận động và hỗ trợ người dân nuôi hải sản với phương thức nuôi và bè nuôi theo quy chuẩn, quy hoạch của địa phương, quốc gia gắn với việc bảo vệ di sản Vịnh Hạ Long, thúc đẩy người nuôi thực hành nuôi trồng thuỷ sản thân thiện môi trường.

Cụ thể như sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi sống, sử dụng giống thuỷ sản có nguồn gốc rõ ràng, chọn loài nuôi phù hợp với hệ sinh thái. Mô hình nuôi trồng thuỷ sản thí điểm được phát triển thành sản phẩm du lịch, gắn với hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng phục vụ du khách đến tham quan Vịnh Hạ Long.

Đến nay, mô hình có 7 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Trong đó, 50% nguồn vốn của dự án hỗ trợ, còn lại là do HTX Vạn Chài đối ứng. Các hộ nuôi trồng chỉ phải bỏ kinh phí mua giống cá. Sau 3 năm, các hộ muốn tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản được HTX chuyển nhượng lại các nhà bè với kinh phí phù hợp.

Đăng Hùng
.
.
.