Phòng tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông:

Giải pháp giảm bạo lực học đường?

Thứ Bảy, 14/01/2017, 08:55
Theo kết quả nghiên cứu với hơn 1.000 học sinh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng, trung bình có 54% học sinh có vấn đề về quan hệ ứng xử với bạn bè, gia đình và giáo viên; 39% hay bị ám ảnh, sợ hãi và mất kiểm soát cảm xúc; 39% bị áp lực trong học tập và thi cử…

Điều này cho thấy, mong muốn được chia sẻ, tư vấn tâm lý của các em trước áp lực cuộc sống hiện đại là một nhu cầu có thật. Thế nhưng, ở hầu hết các trường phổ thông hiện nay đều đang “trắng” phòng tư vấn tâm lý.

Là một trong 20 trường của Hà Nội được tài trợ về kinh phí, tài liệu của tổ chức Plan International để triển khai thí điểm xây dựng phòng tư vấn tâm lý trong trường học từ tháng 9-2014 đến nay, bà Hoàng Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Anh (Cổ Loa) cho biết: Năm đầu tiên lập phòng tư vấn, học sinh còn ngại ngùng nên ít tìm đến phòng này nhưng khi dần quen, các em tìm đến nhiều hơn và cũng chia sẻ nhiều chuyện liên quan đến đời sống gia đình, vướng mắc trong tình bạn, bất đồng với giáo viên. Đặc biệt, trước khi có cán bộ tham vấn tâm lý, Ban giám hiệu nhà trường  thường xuyên phải giải quyết nhiều vụ việc liên quan mâu thuẫn của học sinh.

Từ khi có cán bộ tham vấn tâm lý, tình trạng bạo lực học đường giảm hẳn, không những thế các thầy cô còn học được nhiều kỹ năng trong việc xử lý mềm dẻo các vấn đề liên quan đến phụ huynh và học sinh.

Chuyên gia phòng tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đang tư vấn cho học sinh.

Còn theo đại diện của trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Từ Liêm (Hà Nội), từ khi trường có phòng tư vấn tâm lý đến nay, những câu chuyện đáng tiếc như học sinh dọa tự tử khi bị bố mẹ mắng hay đòi bỏ học vì xấu hổ khi lỡ lấy đồ của bạn cùng lớp... đã không còn xảy ra.

Hầu hết các học sinh của trường tham gia khảo sát đều cho rằng từ khi có phòng tư vấn tâm lý, các em cảm thấy an toàn hơn bởi những bức xúc, ấm ức, thậm chí là mâu thuẫn học đường đều được các thầy cô - cán bộ tư vấn tâm lý lắng nghe, chia sẻ và cùng tìm giải pháp giải quyết...

Mặc dù là trường THPT dân lập nhưng trong suốt thời gian 15 năm kể từ ngày thành lập trường đến nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đều duy trì phòng tư vấn tâm lý với biên chế từ 2-3 cán bộ. Đây cũng là trường phổ thông đầu tiên trên địa bàn Hà Nội thành lập phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Ông Đỗ Văn Giảng, nguyên là Phó Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn Hà Nội, cán bộ phụ trách phòng tâm lý của nhà trường cho biết: Từ những ngày đầu tiên thành lập, nhiệm vụ của phòng tư vấn tâm lý đã được xác định rõ là nghiên cứu các vấn đề của học sinh trung học, các biểu hiện lệch lạc về hành vi, trên cơ sở đó có biện pháp điều chỉnh và giáo dục các em.

Chủ trương của nhà trường là đào tạo, tập huấn thêm kiến thức và các kỹ năng cho giáo viên chủ nhiệm và thông qua hệ thống giáo viên này để chủ động sàng lọc, phát hiện các học sinh có vấn đề về tâm lý.

Sau đó, các học sinh này được cán bộ phòng tư vấn tâm lý trợ giúp, chỉ ra những lệch lạc để học sinh sửa chữa trên tinh thần tôn trọng khả năng tự điều chỉnh của các em và không áp đặt.

Từ đó, đưa ra các giải pháp giáo dục, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu những tình huống xấu có thể xảy ra. Với mục tiêu hoạt động như thế nên trong nhiều năm qua không bao giờ xảy ra chuyện học sinh đánh nhau trong trường.

Cũng theo ông Giảng, từ ngày thành lập đến nay, phòng tư vấn tâm lý của nhà trường đã tư vấn cho hàng nghìn lượt học sinh, thậm chí nhà trường còn tiếp cận tới cả các phụ huynh có nhu cầu. Đến nay, hầu hết học sinh và phụ huynh đều tin tưởng, chia sẻ với cán bộ tâm lý với niềm tin đến đây, con em mình sẽ được giáo dục để thành người tử tế.

Đặc biệt, ngoài chức năng tư vấn tâm lý, phòng tâm lý của nhà trường còn có nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho các em, giúp các em định hướng được nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với năng lực của bản thân, từ đó tạo lập được động cơ học tập đúng đắn...

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: Việc thành lập các phòng tư vấn tâm lý trong các trường phổ thông là vô cùng cần thiết bởi lẽ đối với học sinh phổ thông, khi mà các em đang trong quá trình hình thành nhân cách có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua.

Các vấn đề tâm lý, các khó khăn trong cuộc sống khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, các xung đột trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình, sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp, các tác động từ mạng Internet nếu không được tư vấn, chia sẻ, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Mỗi khi các phòng tư vấn tâm lý hoạt động tốt, có hiệu quả sẽ cung cấp cho học sinh những liều thuốc tự vệ có giá trị, góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường nói riêng và bạo lực xã hội nói chung.

Cũng theo ông Lâm, hiện nay, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội đều nhìn thấy rõ hiệu quả và sự cần thiết của các phòng tư vấn tâm lý.

Tuy nhiên, ngoài 20 trường thí điểm đang được hỗ trợ kinh phí và tài liệu từ tổ chức Plan, hầu hết các trường còn lại đều kêu khó với nhiều lý do như không có cơ chế hỗ trợ, thiếu kinh phí, chưa biết lấy nguồn thu nào để bù đắp và việc đào tạo được cán bộ tâm lý giàu tâm huyết, giỏi chuyên môn là không dễ.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết: Kết quả triển khai dự án tại các nhà trường thí điểm cho thấy yêu cầu quan trọng và cấp thiết của việc xây dựng phòng tư vấn tâm lý trong trường học hiện nay.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đang nghiên cứu để nhân rộng việc thành lập phòng tư vấn tâm lý trong trường học.

Trước mắt, các phòng tư vấn tâm lý tại 20 trường đang thụ hưởng dự án tiếp tục duy trì hoạt động. Dự kiến, cuối năm 2017, các trường THCS và THPT trên địa bàn đều sẽ có phòng tư vấn tâm lý với nguồn kinh phí trước mắt là huy động xã hội hóa.

Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện có 939 trường THPT và THCS. Tuy nhiên, ngoài 20 trường đã xây dựng phòng tư vấn tâm lý chuyên biệt theo dự án do tổ chức Plan International tài trợ, hiện có rất ít trường triển khai được mô hình này. Trong khi đó, khảo sát tháng 11-2016 trên 31.000 học sinh tại 20 trường thí điểm dự án của Hà Nội cho thấy 50% học sinh cho rằng có phòng tư vấn tâm lý trường học sẽ khiến các em cảm thấy an toàn hơn. Trong 3 năm, đã có 2.800 học sinh tìm đến phòng tư vấn tâm lý. Trường có phòng tư vấn thì tỷ lệ học sinh bị bạo hành tinh thần lẫn thể chất giảm hẳn, trong đó bạo lực tinh thần giảm từ 63% xuống còn 7% sau 3 năm.
Huyền Thanh
.
.
.