Gia tăng các ca ngộ độc vì… rượu

Thứ Năm, 02/02/2017, 09:12
Trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 năm nay, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận từ 2-3 bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu.

Trung tâm cũng đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong do ngộ độc methanol có trong rượu rởm. Những bữa tiệc tân niên, gặp mặt đầu xuân thường không thể thiếu chén rượu. Thế nhưng, người dân cần uống rượu có trách nhiệm, đừng để mất xuân chỉ  vì… rượu.

Liên tiếp tử vong do ngộ độc methanol

Thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cũng là lúc mà các bác sỹ tại Trung tâm Chống độc bận rộn hơn những ngày thường. Bởi lẽ, bệnh nhân ngộ độc nói chung, ngộ độc rượu nói riêng liên tục nhập viện. Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm cho biết: “Chỉ trong vòng 10 ngày giáp Tết, số bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol đã lên đến 5 người”.

Dẫn chúng tôi đến thăm bệnh nhân Đặng Đình Ký, 40 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội đang nằm thoi thóp thở trên giường bệnh, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Bệnh nhân Đặng Đình Ký nhập viện khi đã bị tổn thương não nặng, huyết áp tụt, máu nhiễm độc. Mặc dù các bác sỹ đã nhanh chóng lọc máu, giải độc… nhưng khả năng xấu nhất vẫn đã xảy ra. Ngay bên giường bệnh, vợ và 2 con của anh Ký ai nấy cũng đỏ hoe mắt.

Ngộ độc methanol có trong rượu rởm rất dễ dẫn đến tử vong.

Rơm rớm nước mắt, gương mặt buồn rầu, chị Nguyễn Thị Lan tâm sự: “Ở nhà anh ấy hay uống rượu. Cách đây 2 ngày, anh ấy uống rượu liên tục rồi nôn mật xanh mật vàng, lay gọi thế nào cũng không biết gì. Suốt một ngày anh ấy nằm li bì ở nhà, tôi đánh gió rồi cho nhà tôi ăn cháo loãng ấm nhưng không thấy đỡ nên đưa anh Ký đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Thế mà… không kịp nữa chị ạ. Hôm nay gia đình xin các bác sỹ để đưa anh ấy về”, nói đến đây chị Lan vỡ òa trong đau đớn. Ba mẹ con ôm nhau khóc bên cạnh người đàn ông gầy gò, nước da xanh mét đã lịm đi khiến không khí tại Phòng Cấp cứu thật nặng nề.

Trước bệnh nhân Đặng Đình Ký vài ngày, 3 bệnh nhân ngộ độc rượu khác cũng được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt sâu, não bị tổn thương.

Một bệnh nhân trong đó đã bị ngừng tim, rối loạn trong máu rất nặng nề. Bệnh án của 3 trường hợp cho thấy, hàm lượng methanol trong máu các trường hợp này rất cao (hơn 100 mg/dl).

Được biết các trường hợp này đến từ các tỉnh lân cận Thủ đô Hà Nội nhưng trước khi nhập viện đều uống rượu trên địa bàn Hà Nội, quanh khu vực Bệnh viện 198.

Rồi một trường hợp nam bệnh nhân trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội cũng nhập viện với các triệu chứng như trên. Rượu pha cồn công nghiệp methanol đang là thủ phạm dẫn đến những cái chết rất thương tâm mà chúng tôi ghi nhận được tại Trung tâm Chống độc trong những ngày đầu năm 2017.

Cần kiểm soát chặt nguồn gốc rượu

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, năm nào cũng vậy, trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm mà Trung tâm tiếp nhận số bệnh nhân đến điều trị ngộ độc rượu cao hơn ngày thường.

Trung bình mỗi ngày có từ 2-3 ca ngộ độc rượu nhập viện. Điều đáng nói là số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc methanol thời điểm này năm nay nhiều hơn so với các năm trước. Ngộ độc rượu xảy ra ở mọi lứa tuổi (trung niên, thanh niên), các nghề nghiệp khác nhau từ công chức cho đến người lao động phổ thông.

Hầu hết các bệnh nhân ngộ độc rượu rởm chứa methanol nhập viện đều trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, rối loạn trong máu. Sau khi nhập viện, các bác sỹ sẽ tiến hành hồi sức, lọc methanol, dùng thuốc giải độc.

Tuy nhiên, do nhiều bệnh nhân đến khi đã muộn - tức là tình trạng ngộ độc đã tương đối nặng, não bị tổn thương nghiêm trọng nên việc cứu chữa là rất khó khăn, thậm chí không kịp.

Ngộ độc rượu có các biểu hiện rõ ràng như: thở nhanh, mờ mắt, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê. Còn trong những giờ đầu sau uống, biểu hiện giống hệt bệnh nhân say rượu bình thường nên không ai nghĩ đến nguy cơ uống phải rượu có methanol để đến viện sớm.

Vì thế, hầu hết các trường hợp đến viện muộn, việc cứu chữa càng khó khăn hơn - BS Nguyên cho biết. Nếu không tử vong, các bệnh nhân ngộ độc rượu chứa methanol hầu hết để lại các di chứng mù mắt, tổn thương não, hôn mê, rối loạn ý thức kéo dài, tuy nhiên tỷ lệ tử vong là khá cao.

Qua lời kể lại của người nhà thì hầu hết các bệnh nhân đều uống nhiều rượu, uống rượu mua trôi nổi không rõ nguồn gốc dẫn đến ngộ độc.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt công tác kiểm tra cũng như quản lý, kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ của các loại rượu.

Đặc biệt là các loại rượu được bán tại các cửa hàng tạp hóa tạp phẩm thường vẫn được gọi là “rượu nút lá chuối”, “rượu cuốc lủi”.  “Lợi ích của rượu về sức khỏe là rất ít. Trên thực tế có thể nói là có hại, gây ra nhiều loại bệnh.

Vì vậy người dân phải uống rượu một cách có trách nhiệm. Sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ, kích thích quá nhiều… nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, loại trừ nguy cơ ngộ độc rượu chứa methanol”, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.

Nguyễn Hương
.
.
.