Già làng Cơ Tu chung tay xây dựng cuộc sống mới
- Già làng hiến đất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng
- Già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín là chiếc cầu nối giữa Đảng và nhân dân
- Già làng, trưởng thôn vùng cao chung tay bảo vệ biên cương
Chúng tôi đến nhà của già Tin vào một ngày trung tuần tháng 11-2016. Bên chén nước lá rừng, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện ông tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe và xóa bỏ các hủ tục đeo bám bà con Cơ Tu từ bao đời nay. Ông nói bà con thôn bản nghe “ưng cái bụng” cũng nhờ những kiến thức y tế đã được học trong chiến tranh và sau ngày đất nước giải phóng.
Theo lời kể của già Tin, năm 1963, khi cuộc chiến tranh đang còn khốc liệt, dù chưa tròn 18 tuổi, nhưng ông đã được lãnh đạo chính quyền cách mạng ở địa phương chọn đưa đi đào tạo kiến thức y tế thôn bản, rồi về làm y tế tại xã Cà Dăng (nay thuộc huyện Đông Giang).
Già làng A Tin Cao Tin khám bệnh cho bà con Cơ Tu trong vùng. |
Đến cuối năm 1965, ông được điều chuyển lên công tác tại y tế huyện. Năm 1971, ông tiếp tục đi học Trung cấp Y tế tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; sau Hiệp định Paris 1973, được chuyển về học tại trung tâm Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, cho tới cuối năm 1975, ông hoàn thành khóa học và được phân công về công tác tại Hội An.
Lúc này, nhận thấy quê hương còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc y tế còn thiếu thốn nên ông xin về để được chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhờ có kiến thức chuyên môn, trong các năm 1976, 1977, ông được cấp trên tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ Phó Phòng Y tế huyện, rồi làm Chủ nhiệm hiệu thuốc của huyện.
Năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện. Chừng một năm sau, lúc này cơ quan có một số bác sĩ trẻ về công tác, nhận thấy mình mới có chuyên ngành Trung cấp Y tế nên ông đề xuất với lãnh đạo cho thôi giữ chức Giám đốc Trung tâm Y tế huyện để về làm Trạm trưởng Trạm Y tế khu vực 3 xã gồm Cà Dăng, Sông Kôn, A Ting. Được hơn 5 năm, ông chuyển công tác sang giữ chức Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng Công an xã Sông Kôn và 2 năm sau thì nghỉ hưu…
Mặc dù về hưu, nhưng già Tin vẫn có nhiều đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông tích cực tham gia hòa giải những mâu thuẫn giữa các hộ dân, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu.
Kỷ niệm không thể quên với già Tin là chuyện một người đàn ông trong thôn bị sỏi thận nhưng cứ cho rằng mình bị “ma ám” nên đã mua bò về giết thịt để cúng. Ông nghe tin bèn đến tận nhà khám bệnh thì mới biết ông này bị sỏi thận, song viên sỏi đã ra đến đầu quy đầu và mắc lại nên làm sưng bàng quang do không đi tiểu được. Bằng kiến thức đã học, ông dùng dụng cụ y tế gắp ra viên sỏi trước sự ngỡ ngàng của dân làng.
Hay một câu chuyện khác, có anh chồng khi đến trạm xá được phát bao cao su để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, song do nữ cán bộ y tế vì ngại ngùng không hướng dẫn cụ thể cách sử dụng, về nhà, anh này đưa bao cao su cho vợ ngậm trong miệng khi quan hệ và khoảng một tháng sau, phát hiện vợ mang bầu, anh lên trạm xá “bắt đền” cán bộ y tế. Hôm đó có ông ở trạm xá. Nghe ông giải thích cặn kẽ cách dùng bao cao su thế nào, anh chồng mới hiểu ra cơ sự, không còn “bắt đền” cán bộ y tế nữa…
“Mình tham gia vào nhiều việc ở địa phương lắm. Như năm 2014, sau vụ người dân làng Bút Tưa, xã Sông Kôn vì sợ “cái chết xấu” bỏ nhà đi, mình đã cùng với chính quyền địa phương xuống tận các hộ dân để tổ chức tuyên truyền, vận động. Nhờ đó mà người dân Bút Tưa dần yên tâm và ổn định chỗ ở, không còn bị ám ảnh bởi “cái chết xấu” nữa”, già Tin tâm sự.
Đại úy A Quang Tứ, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Đông Giang, cho biết, già Tin là một trong những người có uy tín ở địa phương, đã có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo ANTT, giúp lực lượng Công an có được nhiều nguồn tin cơ sở quý giá cũng như tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.