Gia Lai đối mặt nguy cơ hạn hán diện rộng

Thứ Năm, 28/02/2019, 09:18
Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang trong tình trạng thiếu nước tưới nghiêm trọng. Người dân đã chọn biện pháp đào giếng mới hoặc nạo vét giếng nước cũ để lấy nước sinh hoạt. Một số địa phương như các xã Kong Htok, huyện Chư Sê và xã Chư Crăm, huyện Krong Pa người dân đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Ông Lê Đình Thiềm trú xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, gia đình ông có 1 ha cà phê đang vào đợt tưới. Đây là đợt tưới thứ hai trong năm. Tuy nhiên lượng nước tưới thiếu hụt hơn so với cùng kì năm ngoái. 

“Các năm trước tưới cả ngày không hết nước. Nhưng đến năm nay, mới vào đầu mùa tưới nước đã cạn. Máy bơm chỉ hoạt động được 3-4 tiếng đồng hồ rồi phải tắt vì giếng trơ đáy. Các năm trước cả vườn này tôi chỉ tưới trong 4 ngày là xong nhưng năm nay phải kéo dài tới 10 ngày. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình ra hoa, đậu quả của cây cà phê”, ông Thiềm lo lắng.

Hàng ngàn héc ta cây trồng héo úa vì thiếu nước tưới.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo, tình trạng thiếu hụt nước so với trung bình nhiều năm trong các tháng mùa khô tại tỉnh Gia Lai sẽ diễn ra; các tháng nguồn nước thiếu hụt nước nặng nhất là 3,5,6. 

Qua phân tích diễn biến thời tiết tháng 1 và 2 cho thấy khả năng xảy ra hạn nhẹ, tập trung ở khu vực phía tây của tỉnh Gia Lai. Đến tháng 3, diện tích hạn sẽ mở rộng hơn và có thể chiếm 60% diện tích toàn tỉnh. Đến cuối mùa khô (tháng 5,6) lượng mưa ít hơn so với trung bình nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho rằng do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm, tình hình thời tiết năm 2019.

Cũng bởi vậy, mùa mưa năm 2019 sẽ đến muộn, vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Trong đó, lượng nước trên các sông hồ giảm, lượng dòng chảy thấp. Một số hồ chứa chưa kịp tích đủ nước bị thiếu hụt nước tưới từ 30-35%. Để đảm bảo nước tưới cho người dân các nhà quản lý hồ đập, thủy điện cần có cơ chế vận hành hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Gia Lai nhận định: “Các địa phương cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước. Bà con nên áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, đảm bảo đủ độ ẩm cho sự phát triển của cây trồng”.

Cũng theo ông Lương, các địa phương cần tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, khơi thông dòng chảy trên các sông, suối. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác tu sửa, sửa chữa các hạng mục công trình và khẩn trương nạo vét kênh mương đảm bảo dẫn nước.

Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt, hướng dẫn người dân cách khắc phục tình trạng thiếu nước của các giếng đào, giếng khoan để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt phải tổ chức xe vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến để phục vụ cho người dân…

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tác hại do hạn hán, thiếu nước xảy ra liên tục nhiều năm ở nhiều địa phương...

Đối phó với hạn hán luôn là nhiệm vụ cần sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan. Nhưng trước mắt, ngành chức năng tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân phải có cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nhật Đăng
.
.
.