Ý tưởng chống ùn tắc giao thông 100.000 USD: Đừng để phần thưởng trở thành vô nghĩa

Thứ Tư, 13/09/2017, 13:40
Sự kiện Hà Nội trao giải nhì trị giá 100.000 USD cho Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikkel Sekkei Reseach Institute (NSRI) về ý tưởng chống ùn tắc giao thông tạo được sự quan tâm của dư luận.

Sau khi báo chí phản ánh việc “âm thầm” trao giải thưởng, ngày 12-9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã công bố kết quả cuộc thi trên website: sogtvt.hanoi.gov.vn.

Theo Sở GTVT, Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikkel Sekkei Reseach Institute (NSRI) - đoạt giải nhì cho các giải pháp đề xuất: Phát triển mở rộng đô thị thông qua hệ thống đô thị vệ tinh và vận tải liên vùng; giải quyết các vấn đề giao thông tại nút giao và hệ thống bãi đỗ xe theo quy hoạch; tăng cường tính hấp dẫn của hệ thống xe buýt, phát triển giao thông công cộng; quản lý và kiểm soát nhu cầu giao thông cá nhân; phát triển mô hình định hướng giao thông và xây dựng hệ thống quy chế có liên quan.

Người dân mong rằng những ý tưởng chống ùn tắc giao thông không nằm mãi trên giấy.

Cuộc thi đã có người được nhận giải và giải được trao với số tiền không nhỏ. Dư luận có khá nhiều luồng ý kiến đánh giá về ý tưởng này và nhiều người dường như chưa thỏa mãn với ý tưởng đó.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội thì: “Cuộc thi đã giúp nâng cao nhận thức của đông đảo người dân; huy động được nhiều luồng ý kiến trong xã hội, thu hút nhiều đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trong và ngoài nước, có uy tín và trình độ cao trong lĩnh vực giao thông vận tải. Mặc dù cuộc thi không có đơn vị đoạt giải nhất nhưng tổng hợp các điểm mạnh của các phương án dự thi sẽ giúp cho Hà Nội có được một phương án tổng thể tốt. Điều này khẳng định sự thành công của cuộc thi”.

Chúng ta tạm gác việc bàn về ý tưởng cũ hay mới, mà hãy nghĩ tới hiệu quả, tính khả thi của ý tưởng. Để đánh giá cuộc thi có thành công hay không thì phải căn cứ vào kết quả được hiện thực hóa.

Bởi, ý tưởng sẽ mãi chỉ là ý tưởng nếu nó ở trên giấy. Sự thành công của ý tưởng phải được thể hiện trên thực tế. Trong khi Hà Nội đã mất rất nhiều công sức, tiền bạc để giải quyết vấn đề giao thông.

Những năm qua, Hà Nội đã tổ chức các cuộc thi, có trao giải mà chưa được triển khai trong thực tế. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đã từng có nhiều cuộc thi lớn như: Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm, cuộc thi sáng tác kiến trúc làm đẹp thủ đô, chỉnh trang đô thị… nhưng chưa được triển khai trong thực tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là triển khai ý tưởng đó trong giai đoạn nào, khu vực nào, phải thí điểm, chọn các nút giao thông trọng điểm như thế nào… Từ ý tưởng cho đến thực tế là khoảng cách xa. Việc đưa ý tưởng vào thực tế chính là sự kiểm chứng”.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng đánh giá: “Ách tắc giao thông của Hà Nội là vấn nạn, khó khắc phục vì nó không chỉ liên quan đến mở rộng đường, mà còn là vấn đề điều hành vĩ mô.

Việc tổ chức cuộc thi lấy ý tưởng về phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc là cố gắng của thành phố Hà Nội. Ý tưởng đó là tốt, nhưng sau khi trao giải ý tưởng với số tiền không nhỏ, chúng ta phải đặt ra vấn đề thực thi ý tưởng đó. Điều đáng mừng là ý tưởng được trao giải có sự tham gia của chuyên gia Nhật Bản, từ một nước có kinh nghiệm trong xử lý vấn đề giao thông.

Khi ý tưởng được thực hiện thành công nghĩa là chúng ta đã sử dụng chất xám tốt, điều đó cho thấy những phần thưởng cũng như đóng góp của các nhà chuyên môn mới có ý nghĩa”. Một cuộc thi được hy vọng sẽ cải tạo được không gian đô thị Hà Nội, với kỳ vọng lớn nhằm giảm ùn tắc giao thông – vấn nạn của Thủ đô đã kết thúc. Và giờ đây, người dân đang chờ đợi ý tưởng 100.000 USD sẽ được nhìn thấy trên thực tế trong tương lai gần.

7 chiến lược trong ý tưởng đoạt giải thưởng chống ùn tắc giao thông bao gồm:

1. Phát triển mở rộng đô thị thống nhất với xây dựng mạng lưới giao thông.

2. Giải quyết ùn tắc tại các nút giao thông và xây dựng bãi đỗ xe.

3. Tăng cường cải tạo xe BUS/BRT nhằm tạo sự hấp dẫn cho giao thông công cộng, đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

4. Quản lý nhu cầu giao thông cá nhân và giao thông công cộng.

5. Phát triển đô thị hấp dẫn theo mô hình TOD tại các điểm khớp nối giao thông.

6. Xây dựng quy chế quản lý hoạt động giao thông đô thị.

7. Lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện theo hướng tư nhân hóa.

Việt Hà
.
.
.