Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung: Có đề xuất nên linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu
- Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là lấy mất cơ hội làm việc của lao động trẻ
- Đề xuất hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ năm 2021
- Lại nóng chuyện bàn tăng tuổi nghỉ hưu2
Đề xuất này vẫn đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện linh hoạt khung tuổi cho người lao động lựa chọn
Nhiều đối tượng muốn nghỉ hưu sớm
Trong một khảo sát được thực hiện ở 12 tỉnh, thành trên cả nước đối với lao động nữ của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thì đa số người lao động ở khu vực sản xuất kinh doanh muốn được nghỉ hưu sớm.
Cụ thể có đến 24% số người được hỏi mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi 45; 42,6% người được hỏi muốn về hưu ở tuổi 50; gần 30% muốn về hưu ở tuổi 55. Đánh giá về ý kiến này, bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, có nhiều ngành nghề thâm dụng lao động nhưng lại sử dụng đa số lao động nữ thì môi trường làm việc là nguyên nhân khiến người lao động mong muốn được nghỉ hưu sớm.
Nhiều ngành nghề người lao động muốn nghỉ hưu sớm do đặc thù công việc. |
Bà Lan ví dụ như ngành chế biến thủy sản sử dụng hơn 80% lao động là nữ. Môi trường của ngành này rất vất vả khi phải làm việc đứng, môi trường ẩm ướt, lạnh, dẫn đến bệnh viêm khớp, phù nề chân tay..., chính vì thế người lao động muốn nghỉ hưu ở tuổi 45.
Cũng theo khảo sát này thì phần đông lao động nữ khu vực hành chính sự nghiệp vẫn muốn về hưu ở tuổi 55. Đáng chú ý là, có 54% ý kiến nhất trí 60 tuổi là độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Từ kết quả khảo sát trên, Viện Công nhân và Công đoàn đã đưa ra các đề xuất về tuổi nghỉ hưu cho người lao động.
Cụ thể, với khối sản xuất kinh doanh, Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng nên chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là người lao động làm việc ở môi trường và điều kiện làm việc bình thường tuổi hưu là 55; nhóm thứ hai là người lao động có đủ 15 năm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành) tuổi hưu từ 50-55; nhóm thứ ba là người lao động có 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành) sẽ nghỉ hưu ở tuổi từ 47- 50. Đối với người lao động ở khu vực hành chính sự nghiệp, Viện Công nhân và Công đoàn đề xuất tuổi nghỉ hưu là 58 tuổi.
Theo Viện Công nhân và Công đoàn, việc đề xuất các quãng tuổi nghỉ hưu như thế là để người lao động có thể chủ động căn cứ tình trạng sức khỏe của mình đưa ra quyết định nghỉ hưu hay tiếp tục làm việc.
Không nên cứng nhắc
Đề cập đến việc nên quy định tuổi nghỉ hưu thế nào cho phù hợp, bà Dương Thị Thanh Mai - Trưởng nhóm Đánh giá tác động giới của Bộ luật Lao động sửa đổi cho rằng, vấn đề giới của tăng tuổi nghỉ hưu sẽ xuất hiện những mâu thuẫn, không bình đẳng về mặt thực hiện quyền, thu nhập giữa người lao động trong cùng một giới.
Bà Mai phân tích, phụ nữ tri thức có thu nhập và khả năng lao động đến 60, 62 tuổi, thậm chí 65 tuổi, song đối với những người lao động chân tay không thể làm được như vậy.
“Nếu quy định cứng tuổi nghỉ hưu thì giải pháp hỗ trợ để khắc phục là phải có chế độ hưu trí linh hoạt. Người lao động ở vị trí nào cũng có thể hưởng quyền lao động đến tuổi quy định cũng như được nghỉ sớm với chế độ bảo hiểm xã hội thích hợp”, bà Mai nêu quan điểm.
Ủng hộ quan điểm linh hoạt khung tuổi nghỉ hưu, bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, việc nghỉ hưu nên phân chia ngành nghề và linh hoạt theo khung độ tuổi để người lao động lựa chọn. Việc nghỉ hưu theo khung độ tuổi như vậy sẽ phát huy sự thỏa thuận, đàm phán của người lao động.
Do đó, đây là một ý tưởng hay mà Ban soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cần lưu ý để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với người lao động. Nếu lao động nặng nhọc thì người lao động có thể lựa chọn nghỉ hưu sớm.
"Việc đưa khung về độ tuổi nghỉ hưu không gây khó khăn với doanh nghiệp. Lý do là việc điều chỉnh trong khung thời gian nghỉ hưu căn cứ trên hợp đồng. Chủ sử dụng lao động và người lao động có thể xác định trong hợp đồng tuổi nghỉ hưu dựa trên nhu cầu, sức khỏe", bà Lan lý giải.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần đánh giá tác động cụ thể đối với các nhóm ngành nghề, trong đó vấn đề về giới phải được nhìn nhận một cách thực chất.
Ông Quảng cũng bày tỏ băn khoăn khi các phương án đề xuất chưa phân biệt theo từng nhóm lao động, từng ngành nghề cụ thể, nhất là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Điều này sẽ tạo nên những bất cập và tác động không tốt. Do đó, với đề xuất cho phép được quyền nghỉ hưu linh hoạt theo một số nhóm nghề, ông Quảng cho rằng, đây là giải pháp khả thi.