Đồng bằng sông Cửu Long hợp sức chống hạn mặn

Thứ Hai, 19/03/2018, 08:47
Diễn biến hạn, mặn khu vực ĐBSCL được dự báo mức thấp hơn cùng kỳ mùa khô 2015-2016, nhưng phải đề phòng những thời điểm xuất hiện dòng chảy thấp, biến động khó lường.

Hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL đã chủ động phòng chống hạn, mặn theo các kịch bản có thể xảy ra, huy động nguồn lực triển khai các giải pháp đảm bảo cho người dân yên tâm sản xuất, sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm.

Tại vùng ngọt hoá Gò Công (Tiền Giang), mực nước nội đồng khá dồi dào, đủ phục vụ cho vụ lúa đông xuân 2017-2018, rau màu cũng như nước sinh hoạt của người dân. 

Những năm trước, nước tưới cho sản xuất khi vào mùa khô ở huyện Gò Công Đông là vấn đề nan giải, đặc biệt là sản xuất lúa. Nhiều hộ đã chuyển từ đất lúa sang trồng rau màu chủ động nguồn nước tưới. 

Ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết: “Năm nay, mực nước và chất lượng nước tốt hơn so với các năm trước. Cống Xuân Hòa còn đang lấy nước bình thường nên việc sản xuất và sinh hoạt của bà con được đảm bảo”. 

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết, dù nhận định tình tình hạn, mặn không gay gắt, chính quyền từ địa phương đến tỉnh vẫn không chủ quan khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; hạn, mặn diễn biến bất thường.

Nguồn nước ở tuyến kênh, rạch vẫn còn khá nhiều chất lượng nước tốt.

Tại Bến Tre, độ mặn 4 đã xâm nhập đến xã Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam) và xã Hưng Phong, Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm), cách cửa sông khoảng 34 – 36 km và độ mặn 1‰ đã xâm nhập vào xã Bình Phú (TP Bến Tre); xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 50km.

Tại xã An Thuỷ, huyện Ba Tri (Bến Tre) đất trên các ruộng dưa hấu khoảng 1 – 2 tháng tuổi hiện đang khô cằn vì thiếu nước. Người dân phải mua nước dự trữ, dựng tạm tấm bạt để làm bồn chứa.

Bà Lê Thị Chiến (49 tuổi) cho biết, khoảng mấy tháng nay thời tiết nắng nóng nên một số hố trữ nước ngọt của gia đình đã cạn kiệt không đủ để cung cấp cho ruộng dưa hơn 3.000m². 

Để tiết kiệm nước ngọt tưới, người dân dùng màng phủ nông nghiệp phủ lên các gốc dưa để hạn chế cỏ và giữ ẩm cho đất. Nhờ đó, mỗi gốc tưới chỉ tốn chừng 200ml. 

Bà Trần Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND xã An Thuỷ (huyện Ba Tri) cho biết: “Xã chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Nhưng về nước sinh hoạt còn khó khăn vì xã có 5 ấp, tuy nhiên chỉ có 3 ấp là có mạch nước ngầm nên phải lấy nước cung cấp cho các ấp bị thiếu nước”.

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, nước mặn 5% đã vào sâu trong đất liền khoảng 15 – 20km, tại các huyện Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành. Tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang cũng chủ động triển khai các biện pháp vận hành hệ thống thuỷ lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho àng chục ngàn lúa xuân hè của nông dân.

Tại Hậu Giang, tình hình nước mặn sẽ xâm nhập cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5-2018. Toàn tỉnh có khoảng 12.000-16.000ha lúa Đông xuân và Hè thu ở huyện Long Mỹ, một phần huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. 

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin: “Năm 2018, Hậu Giang đã và đang tập trung làm nhiều công trình cấp bách để ứng phó với hạn, mặn như: đắp đập thời vụ 109 cái; nâng cấp, sửa chữa 7 cống ngăn mặn; nạo vét kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn là 15 công trình…”.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2017-2018 và triển khai vụ hè thu 2018 tại Nam Bộ được tổ chức ở An Giang vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ việc sản xuất lúa của người dân trong mùa khô và có giải pháp ứng phó với các điều kiện khó khăn, diễn biến bất thường của thời tiết nhằm ổn định sản xuất, giúp tăng năng suất, nâng cao sản lượng. 

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ nhận định tình trạng hạn, mặn năm nay không gay gắt như các năm trước. Nhưng về lâu dài, ngành chức năng và chính quyền các địa phương nên hạn chế diện tích trồng lúa, nay đã dư thừa. 

Đồng thời thay thế bằng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế, chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đời sống.         

N.Anh – T.Lĩnh
.
.
.