Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn mùa khô 2018

Thứ Tư, 31/01/2018, 11:40
Nam bộ đang bước vào mùa khô. Do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình xâm nhập mặn càng trở nên khó lường.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp ứng phó…

Theo nhận định của cơ quan chức năng, những tháng đầu năm 2018, sông, rạch tại khu vực ĐBSCL có khả năng xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, biến động khó lường, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất tại địa phương. Đồng thời, có thể làm mặn gia tăng sớm, cần chủ động các giải pháp quản lý nước. 

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, từ 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng so với trước đây và khả năng kéo dài hơn. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn trước đây. 

Do đó, cơ cấu mùa vụ truyền thống, quy hoạch sản xuất của các vùng thay đổi. Lúa, cây ăn trái, rau màu… giảm năng suất do thiếu nước; chi phí sản xuất tăng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang xây dựng hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn huyện Vị Thủy.

Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ, ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra” được triển khai từ năm 2012. 

Dự án là một trong các bước ứng phó với BĐKH của thành phố, giúp tăng cường khả năng chống chịu, giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra; phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng. 

Hiện 8 trạm quan trắc độ mặn tự động của dự án hoạt động tốt, cung cấp thông tin kịp thời khi mặn xâm nhập tại các sông, kênh, rạch chính. 

Ông Đoàn Thanh Tâm - Trưởng Ban quản lý dự án, cho biết: “Các trạm quan trắc độ mặn của dự án cảnh báo nhanh về diễn biến độ mặn ở các sông chính của thành phố. Những dữ liệu về độ mặn xuất hiện trên các sông có lắp đặt trạm đo, được chúng tôi chuyển tải, cung cấp kịp thời đến các sở, ngành liên quan và người dân bị ảnh hưởng để kịp thời có biện pháp ứng phó, hạn chế tác hại do xâm nhập mặn gây ra”.

Tại Hậu Giang, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018 với mục tiêu đảm bảo đủ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho bà con ở vùng có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn cho vụ lúa Đông Xuân 2017 - 2018 và Hè Thu 2018; đảm bảo chống hạn cho diện tích lúa Đông Xuân 2017 - 2018 và diện tích lúa Hè Thu 2018 ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy. 

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh nạo vét hệ thống các cấp kênh mương; đắp các đập thời vụ ở các đầu kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng, không để mặn xâm nhập lên đồng. Tổ chức vận hành các cống ngăn mặn cải tiến ở huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh; chủ động đóng các cửa cống ngăn mặn ở huyện Long Mỹ vùng giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu; vùng thị xã Long Mỹ giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng; huyện Vị Thủy, TP Vị Thanh giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Sẵn sàng đóng tất cả các cống khi có mặn xâm nhập từ biển Đông…

Còn tại Bạc Liêu, Sở NN&PTNT tỉnh đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong thâm canh chuỗi sản xuất lúa, tôm. 

Khuyến cáo bà con không xuống giống vụ Đông Xuân ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước ngọt và không thả tôm giống trong các tháng cao điểm của mùa khô (tháng 3, 4, 5 dương lịch) để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và độ mặn tăng cao. Phối hợp với 2 tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau để vận hành hiệu quả hệ thống cống đầu mối, hệ thống cống phân ranh mặn - ngọt.

Tỉnh Kiên Giang đang triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với mặn xâm nhập vào nội đồng, giữ nước ngọt phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2017-2018. 
Ông Cao Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, cho biết, phần lớn các cống ven biển Tây từ TP Rạch Giá đến huyện Giang Thành đã đóng để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân. 

Trên vùng Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và U Minh Thượng, tập trung triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm, nạo vét kênh mương bồi lắng để trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô… 

Việc theo dõi mực nước, diễn biến xâm nhập mặn trên địa bàn được cập nhật thường xuyên. 

“Các địa phương trong vùng ĐBSCL cần tích trữ nguồn nước ngọt ngay bất kỳ thời điểm nào xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, kênh, rạch; thực hiện quyết liệt hành động chống hạn, như: khai thông dòng chảy, xây dựng ao, hồ chứa nước ngọt... đặc biệt, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý…”, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo.  

Đức Văn
.
.
.