Đổi mới công nghệ, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBCSL

Thứ Năm, 08/09/2016, 16:13
Ngày 8-9, tại Cần Thơ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN), phối hợp với Sở Công thương TP Cần Thơ, tổ chức hội thảo đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến lúa gạo khu vực ĐBSCL.


Tại hội thảo, TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết: Những năm qua, trong sản xuất lúa, cơ giới hóa trong làm đất chiếm 90% (tăng gấp đôi so với năm 2000), vùng ĐBSCL có tỷ lệ cao nhất đạt 98%, thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc chỉ đạt 45%. 

Nhờ cơ giới hóa mà thu hoạch lúa tăng từ 5% năm 2000 lên đến 35% năm 2013, cao nhất là vùng ĐBSCL đạt 75%, phía Bắc bình quân đạt 20%. Cơ giới hóa các khâu gieo, cấy đạt 20%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 45%, sấy lúa chủ động ĐBSCL đạt 45%; tuốt đập lúa và xay xát lúa, gạo 100%.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo đó, việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất đai và lao động; mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn; tiết kiệm các nguồn giống, phân bón, nước, năng lượng, lao động… 

Cải thiện chất lượng nông sản, sản phẩm; bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng bền vững của sản xuất nông nghiệp; giảm bớt cường độ lao động nặng nhọc và vất vả cho người lao động; tăng lợi tức trong sản xuất nông nghiệp; tạo ra các ngành nghề hấp dẫn lao động nông thôn; đáp ứng kịp thời vụ, tăng mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu. Để thực hiện tốt cơ giới hóa trong sản xuất nhất thiết cần xây dựng và cải tạo đường giao thông thủy bộ, thuận tiện cho máy móc đi lại.

Ông Nguyễn Chí Thành, Công ty CP Cơ khí An Giang cho rằng, việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa, gạo là rất cần thiết. Nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất được vay ưu đãi đầu tư thiết bị trung và dài hạn đối với lĩnh vực cơ khí sản xuất máy móc thiết bị, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ của chế tạo cơ khí dưới hoặc bằng 3%/năm.

Dịp này, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, giới thiệu về các hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thực hiện dự án đổi mới công nghệ. Nội dung tài trợ tập trung cho các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ; đào tạo cán bộ; mua sắm thiết bị đặc chủng, thiết bị đo kiểm; mua phần mềm, thiết kế, bản quyền công nghệ; đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu trí tuệ... Mức hỗ trợ tối đa là 30% tổng chi phí dự án. 

Trần Lĩnh
.
.
.