Đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực vẫn bán tràn lan

Thứ Bảy, 16/09/2017, 13:25
Gần đến Tết Trung thu, đây cũng là thời điểm các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên địa bàn thành phố hút khách hơn bao giờ hết. Và sẽ không có gì đáng bàn, nếu đi kèm với thị trường đồ chơi cho trẻ hiện nay không xuất hiện tình trạng kinh doanh bát nháo đồ chơi không hợp quy, mang tính bạo lực.

Chúng tôi tham gia cùng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT TP Hà Nội, đi kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến tàng trữ, kinh doanh đồ chơi không hợp quy, mang tính bạo lực. 

Theo ông Nguyễn Hải Anh, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 2, Hoàn Kiếm là một trong những quận có đông các cửa hàng kinh doanh đồ chơi ở Hà Nội, với hơn 30 cửa hàng tập trung trên các tuyến phố: Lương Văn Can, Chả Cá, Hàng Mã…

9h45 ngày 12-9, các tổ công tác của Đội QLTT số 2 rời trụ sở, có mặt tại các tuyến phố tập trung cửa hàng kinh doanh đồ chơi. Điểm đầu tiên mà chúng tôi dừng chân là cửa hàng kinh doanh tại số 7 phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm). 

Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ cửa hàng đồ chơi liền xuất trình các hóa đơn chứng từ liên quan đến số sản phẩm đồ chơi đang được bày bán trong cửa hàng. Qua quan sát, hầu hết các sản phẩm đồ chơi ở đây đều được dán tem hợp quy. 

Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Khánh Toàn, thành viên của tổ công tác kiểm tra từng sản phẩm đồ chơi và phát hiện một số sản phẩm đồ chơi không có tem hợp quy. Lúc này, anh Nguyễn Anh Tuấn bèn giải thích, số đồ chơi này sắp tới cửa hàng sẽ bỏ đi… 

Trước những tồn tại trên, tổ công tác đã nhắc nhở, yêu cầu chủ cửa hàng cam kết không kinh doanh các sản phẩm đồ chơi không có tem hợp quy, mập mờ nguồn gốc xuất xứ.

Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra một cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên phố Chả Cá.

10h30, tổ công tác do ông Nguyễn Hải Anh, Phó Đội trưởng làm tổ trưởng có mặt tại cửa hàng đồ chơi ở số 4A phố Chả Cá (quận Hoàn Kiếm). Tại đây, chúng tôi thấy được sự phong phú về mẫu mã, chủng loại của các sản phẩm đồ chơi mà chủ cửa hàng nơi đây nhập về để cung cấp ra thị trường trong dịp Tết Trung thu này. Từ ôtô điều khiển, búp bê, siêu nhân… cho đến rô bốt lắp ghép, rô bốt chạy bằng pin, tất cả đều có. 

Trong gian hàng với chiều rộng khoảng 2m này có hàng trăm sản phẩm đồ chơi các loại. Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện và lập biên bản tạm giữ 152 sản phẩm đồ chơi không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng đồ chơi, ngày 26-6-2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”. 

Theo đó, kể từ ngày 15-4-2010, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em ban hành kèm theo thông tư này. 

Cùng với đó, theo Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ việc sẽ phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm. 

Mặt khác, sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm. 

Quy định là thế, song qua tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều chủ cơ sở vẫn lén lút nhập đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt (đối với sản phẩm nhập khẩu) và không nhãn cảnh báo (dùng cho lứa tuổi nào, nguy cơ đối với trẻ nhỏ v.v...). Tất nhiên, đối với các sản phẩn đồ chơi không được kiểm định về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy tiềm ẩn.

Khi trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trẻ nhỏ rất cần không gian, đồ chơi để vui chơi giải trí. Hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ trải nghiệm thêm về cuộc sống, tăng tính năng động, sáng tạo. 

Do vậy, nếu để trẻ tiếp xúc và chơi những sản phẩm đồ chơi mang tính bạo lực, không đảm bảo về tiêu chuẩn, kỹ thuật, độ an toàn thì rất dễ khiến trẻ bị lệch lạc về quan điểm sống, về hành vi, ứng xử giao tiếp, cũng như khó tránh khỏi việc bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Đồng quan điểm trên, ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 nhấn mạnh, nhận thức rõ những hệ lụy đi kèm với các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, mang tính bạo lực, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên tổ chức các tổ công tác tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. 

Chỉ tính trong 3 tháng (tháng 6, 7 và tháng 8), Đội QLTT số 2 đã tiến hành lập biên bản xử lý 121 vụ việc vi phạm, tổng số tiền thu nộp hơn 1,8 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm bị lập biên bản xử lý chủ yếu là: các hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng nhập lậu, kinh doanh hàng hóa dịch vụ có điều kiện mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa, vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh v.v... 

Đặc biệt, lúc này đang là thời điểm “nóng” về hành vi kinh doanh đồ chơi không rõ nguồn gốc, mang tính bạo lực nên Đội sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Trước mê hồn trận thị trường đồ chơi cho trẻ như hiện nay, thiết nghĩ bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, các bậc phụ huynh nên lựa chọn, tìm mua cho con em mình sản phẩm đồ chơi đảm bảo yếu tố an toàn, lành mạnh.

Trần Huy
.
.
.