Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại hai tỉnh miền Bắc
- Trung Quốc thắt chặt kiểm dịch phòng chống dịch tả lợn châu Phi
- Hà Nội thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch tả lợn châu Phi
- Dịch tả lợn không có khả năng lây lan sang người
Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương và chính quyền các cấp của địa phương thực hiện tiêu hủy toàn bộ 33 con lợn của hộ chăn nuôi ông Dương Văn Vũ và 101 con lợn của hộ ông Lê Xuân Tình; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.
Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã khẩn cấp thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch. Sau khi xét nghiệm, tại địa bàn lân cận hộ chăn nuôi của gia đình ông Vũ cho kết quả âm tính. Riêng kết quả xét nghiệm đàn lợn tại khu vực lân cận gia đình ông Tình đang chờ kết quả xét nghiệm.
Tiêu huỷ lợn nhập lậu ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: Vi Thu |
Còn tại tỉnh Thái Bình, đã phát hiện có 6 hộ chăn nuôi thuộc 4 thôn thuộc xã Đông Đô, huyện Hưng Hà có bệnh ASF. Đến thời điểm này, 123 con lợn của các hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Cơ quan thú y và chính quyền địa phương đã thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn. Điều đáng mừng là sau khi tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch, kết quả đều âm tính.
Bộ NN&PTNT thông báo, theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18-2, đã có 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3-8-2018 đến ngày 18-2, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con heo các loại buộc phải tiêu hủy. Nguy cơ lây nhiễm virus vào Việt Nam là không tránh khỏi. Rất may dịch bệnh này không gây nguy hiểm cho con người nhưng sẽ gây ra thiệt hại nặng nề nếu không thể kiểm soát dịch. Đến nay, cả thế giới cũng chưa tìm ra được thuốc để trị dịch bệnh này.