Đi lại trong mùa dịch COVID-19, cách nào tránh lây nhiễm?

Thứ Tư, 18/03/2020, 07:55
Đeo khẩu trang, lên xe mở cửa thoáng, đi taxi luôn cầm theo chai rửa tay khô xịt khuẩn, không đưa tay lên miệng, mắt… là những biện pháp an toàn để mỗi hành khách tự bảo vệ mình, đồng thời cũng là khuyến cáo của các chuyên gia y tế, giao thông tại buổi toạ đàm "Đi lại trong mùa dịch: Làm gì để tránh lây nhiễm?" do Báo Giao thông tổ chức ngày 17/3.


Nguy cơ lây nhiễm trên phương tiện giao thông vận tải

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự cố y tế công cộng, tham gia giao thông có cả người khỏe mạnh và người mang mầm bệnh. Chúng ta phải hiểu cơ chế của bệnh COVID-19 do virus thì lây theo đường hô hấp và qua việc bắn giọt nước bọt nhỏ li ti có chứa virus. Chúng ta giao tiếp trong khoảng cách gần dưới 2m là có thể hít vào.

Thứ hai, có tài liệu nói giọt đó quá nhỏ nên có thể bay lơ lửng trong không khí, nhưng sẽ tồn tại trong một thời gian không lâu, nên việc xe buýt nói mở cửa thoáng là điều kiện tốt để khuyếch tán mầm bệnh ra ngoài. 

Cán bộ chức năng tiến hành kiểm dịch ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Gia Chính. 

Vấn đề thứ 3, giọt li ti đó khi không lơ lửng trong không khí thì sẽ rơi xuống sàn phương tiện vận chuyển. Tay của bệnh nhân đưa lên miệng mũi sẽ đem theo những virus rồi bàn tay đó sẽ bám vào các phần trong thiết bị vận tải, người bình thường sờ vào sẽ bị lây. Cơ chế này khiến việc đi trên các phương tiện vận tải công cộng như taxi, xe buýt, máy bay, xe khách... dễ lây bệnh là như vậy. 

Trước câu hỏi, máy bay có phải là môi trường dễ lây nhiễm dịch không? PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, lây nhiễm trên phương tiện giao thông vận tải đều có nguy cơ giống nhau nhưng máy bay được trang bị hệ thống màng lọc không khí, được khử trùng tốt hơn, có nhiều quy định quốc tế phải tuân thủ hơn. Tuy nhiên, trên máy bay vẫn còn những nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp, do đó, để phòng tránh, mỗi hành khách phải cố gắng đảm bảo đeo khẩu trang, găng tay, không đưa tay lên miệng, mắt... 

Xung quanh vấn đề ở Việt Nam vì sao chưa có ca lây nhiễm từ xe buýt, xe khách mà mới có các ca phát hiện trên chuyến bay, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, là do chúng ta đã làm tốt ngăn chặn dịch từ bên ngoài vào nên chưa có ca nhiễm trong cộng đồng. Còn máy bay đang là phương thức duy nhất đưa khách từ nước ngoài về nên khó có thể tránh được việc chuyên chở hành khách nghi nhiễm và lây nhiễm. 

“Nhiều người hỏi vì sao không cấm bay, như tôi đã nói ở trên, tình hình dịch bệnh đến đâu, Chính phủ tiếp tục có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, tránh gây những hệ luỵ cho kinh tế, an sinh, xã hội. Chúng ta tiếp tục nâng cấp các bước phòng chống dịch bệnh phụ thuộc vào tình hình dịch quốc tế. Ban Chỉ đạo Quốc gia sẽ có những chỉ đạo ứng phó kịp thời tuỳ thuộc vào tình hình”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh. 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Dung - Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT đưa ra quan điểm: “Thủ tướng chỉ đạo phòng chống dịch thật tốt nhưng không phải là đóng băng mọi hoạt động. Giao thông đi lại vẫn phải thực hiện. Khi tham gia giao thông, mọi người phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về y tế”.

Chưa có chế tài với hành khách không thực hiện khuyến cáo

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Trung tâm Điều hành, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco)  thừa nhận, vận tải hành khách công cộng có đặc thù lượng hành khách rất đông, nhưng đến nay các chế tài xử phạt hành khách không thực hiện các khuyến cáo y tế vẫn không có. 

Người dân ra sân bay không nên “quên” đeo khẩu trang.

Vì thế, Transerco đã tăng cường tuyên truyền cho lái phụ xe và đội ngũ này trực tiếp phát các tờ rơi hướng dẫn phòng chống bệnh cho hành khách. Các xe buýt của công ty cũng được hướng dẫn chủ động tắt điều hoà, chỉ sử dụng hệ thống quạt gió, cố gắng mở các cửa thoáng để lưu thông không khí trong xe. Với những trường hợp hành khách trên xe đông, không bật điều hoà dẫn đến ngột ngạt thì các xe của Tổng công ty sử dụng điều hoà trên 26 độ. 

Liên quan đến các chuyến xe hợp đồng chở khách, xe đường dài thì ứng phó thế nào với dịch? Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên - thành thật: “Vấn đề xe giường nằm đang chạy liên tuyến, việc khử trùng vô cùng phức tạp”. Theo ông Tùng không thể phun khử trùng khi các xe đều có gối, chăn, ga... Giải pháp tốt nhất hạn chế đi lại. Hiện công ty đã dừng toàn bộ lộ trình xe khách Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa và một số lộ trình dài.

Thông tin thêm, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: Taxi là môi trường ô nhiễm cao vì taxi đổi khách liên tục, trong khi người nhiễm bệnh, người có khả năng lây chưa có triệu chứng, chúng ta đều không thể nhận biết. Trong khi đó, trong xe taxi nhỏ hẹp, môi trường kín dễ lây nhiễm khi hành khách nói cười, sờ vào các bộ phận của xe. 

Lên xuống xe buýt hành khách có thể không phải mở cửa, nhưng taxi thì chắc chắn. Do đó, đi taxi cần nhất thiết mang theo lọ rửa tay khô để liên tục sát khuẩn. Còn tài xế taxi sau mỗi lượt khách đi nên lau chùi dung dịch sát khuẩn xe để hành khách đi sau có được 1 chiếc xe sạch hơn. 

Đồng thời, ông Phu khuyến cáo, virus chết khi ở nhiệt độ cao, nhưng virus ở đây lây trực tiếp. Hơn nữa, virus bắn ra ngoài không khí chưa chết ngay, thì vẫn lây nhiễm. Nhiệt độ trong xe tăng cao vẫn không thể làm chết virus ngay lập tức. Vì thế, nên mở cửa thoáng để virus nếu có bay ra ngay, thay vì tăng nhiệt độ xe”.

Phạm Huyền
.
.
.