Di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở núi trước mùa mưa lũ

Thứ Ba, 14/08/2018, 08:46
Dự báo tình hình thời tiết năm 2018 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó thiên tai, chính quyền huyện Bắc Trà My đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai việc di dời, sắp xếp dân cư vùng thiên tai đe dọa, nhất là vùng sạt lở tại các xã miền núi.


Trong mùa mưa lũ năm 2017, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 12 vụ sạt lở núi, đáng chú ý tại các huyện miền núi, như Bắc Trà My (6 vụ), Nam Trà My (2 vụ), Phước Sơn (2 vụ) đã khiến hàng chục người chết và bị thương. 

Chỉ tính riêng tại huyện Bắc Trà My, sạt lở núi đã làm 12 người chết, 9 người bị thương; 152 nhà bị thiệt hại, trong đó có 66 ngôi nhà bị thiệt hại nặng và sập hoàn toàn… Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2017 trên địa bàn huyện Bắc Trà My ước khoảng 114 tỷ đồng… 

Dự báo tình hình thời tiết năm 2018 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để chủ động ứng phó thiên tai, chính quyền huyện Bắc Trà My đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai việc di dời, sắp xếp dân cư vùng thiên tai đe dọa, nhất là vùng sạt lở tại các xã miền núi.

Tại xã miền núi Trà Giang, huyện Bắc Trà My, nơi từng xảy ra những trận sạt lở núi kinh hoàng vào tháng 11-2017, theo ghi nhận của chúng tôi, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất đã ổn định cuộc sống. 

Đến bây giờ, nhớ lại chuyện đã qua, chị Lê Thị Nga (40 tuổi, trú thôn 2, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My) vẫn không khỏi rùng mình. 

Chị kể rằng, hôm đó khoảng 16h ngày 5-11-2017, chị đang ở nhà bếp để nấu bữa ăn tối cho gia đình thì bất ngờ một tiếng nổ đinh tai vang lên, theo đó hàng vạn mét khối đất đá ở quả đồi bên kia sông Trường bất ngờ sạt lở, đổ ập xuống dòng sông tạo nên sức ép cực lớn đẩy nước sông cùng đất đá dâng cao hơn 15m giội thẳng vào dãy nhà phía bờ bên này sông Trường, trong đó có căn nhà vừa xây xong chưa đầy 1 tháng của chị, cuốn chị trôi ra sông Trường hàng trăm mét. 

Sự việc diễn ra quá nhanh, quá bất ngờ khiến chị không thể hình dung được việc gì vừa xảy đến. Với bản năng của mình, chị cố gắng bơi ngược nước để vào bờ thì lại một tiếng “đùng” nữa vang lên, một đợt nước sông Trường lại dâng cao kéo chị trôi đi. Lúc này, với tất cả bản năng sinh tồn, chị gắng sức bơi vào bờ rồi chạy về nhà xem chồng con và bố chồng mình thế nào. 

Trong căn nhà bị đổ sập, chồng chị là anh Nguyễn Duy Lượng (40 tuổi) bị cây, tường gạch ngã đè lên người khiến anh bị thương nặng, mắc kẹt trong đống đổ nát. Còn bố chồng là ông Nguyễn Duy Tú (79 tuổi) đã bị nước sông Trường cuốn trôi mất tích… 

Sau thảm họa lở núi, gia đình chị Nga và người dân thôn 2, xã Trà Giang, được sự chung tay chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội, đã dựng lại được nhà mới phía bên kia tuyến quốc lộ 24C, đến nay cuộc sống dần ổn định. 

Ông Đoàn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Trà Giang, cho biết, sau vụ sạt lở núi cuối năm 2017, xã đã quy hoạch khu tái định cư và nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cùng các tổ chức, cá nhân, đến nay các hộ này đã có nhà ở mới khang trang tại khu vực cao ráo và an toàn hơn…

Nhằm khắc phục hậu quả của tình trạng sạt lở đất và tránh tái diễn nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa lũ năm 2018, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành di dời gần 1.300 hộ dân đến nơi an toàn. Trong đó tập trung ở một số địa phương như Tiên Phước (300 hộ), Nam Giang (53 hộ), Bắc Trà My (860 hộ), Nam Trà My (77 hộ). 

Và mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rút kinh nghiệm năm 2017 và các năm trước, tập trung khảo sát, rà soát, thống kê cụ thể những vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; tổ chức lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân được biết để phòng, tránh…

Ngọc Thi
.
.
.