Đến bao giờ mới hết cảnh “mưa là ngập”

Thứ Sáu, 26/05/2017, 12:48
Những ngày qua, tại TP Hồ Chí Minh, mưa lớn liên tiếp kéo dài khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, nhà dân bị nước tràn vào gây hư hại tài sản; người lưu thông trên đường khổ ải khi điều khiển phương tiện lăn bánh trong mưa lại bị ùn tắc.


Nỗi khổ này khiến nhiều người dân bức xúc bởi chỉ mới vào đầu mùa mưa nhưng mọi sinh hoạt, công việc của họ bị xáo trộn chỉ vì liên tục tái diễn cảnh… “mưa là ngập” (!)

Tình trạng mưa lớn gây ngập đường giờ đây trở thành thực trạng đáng ngại của cả thành phố chứ chẳng riêng một quận nào. Cơn mưa chiều 24-5, những tuyến đường lớn đã trở thành “con đường đau khổ” khi người dân đi làm về bắt buộc phải qua.

Hình ảnh người dân khổ sở khi ra đường lúc trời mưa lớn.

Tại đường Phan Huy Ích (đoạn giữa Tân Bình và Gò Vấp), có đoạn ngập sâu hơn 0,5m, lút bánh xe gắn máy. Hàng trăm xe chết máy bì bõm lội trong dòng nước lạnh buốt và hôi hám. Những nhà dân tại khu vực này mới khổ sở khi các phương tiện lớn lưu thông trên đường cố tình chạy nhanh để thoát điểm ngập, vô tình tạo ra sóng đánh tràn nước vào nhà.

Hình ảnh người dân đẩy xe bì bõm lội nước, té ngã, nước tràn vào nhà cũng là hình ảnh dễ thấy trong và sau cơn mưa xảy ra tại các tuyến đường: Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Văn Đồng (Bình Thạnh), Dương Quảng Hàm, Lê Đức Thọ (Gò Vấp), Hồ Học Lãm (Bình Tân). Đáng chú ý nhất là khu vực quận Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi (Thủ Đức) hay Lê Văn Việt (quận 9), nước ngập đường chảy cuồn cuộn. Tuyến xa lộ Hà Nội - cửa ngõ phía đông thành phố, nước ngập mênh mông khiến người điều khiển phương tiện vừa đẩy xe chết máy vừa lạnh, vừa run vì sợ bị té ngã gặp nạn khi các phương tiện lớn lao qua.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nước mưa trên đường không thể thoát sau cơn mưa là do nhiều công trình lấn chiếm dòng kênh rạch, cửa xả, hệ thống cống bị rác thải gây tắc nghẽn lối thoát nước khiến nước trên đường dâng cao nhưng rút chậm. Chính nguyên nhân này mà UBND thành phố đã yêu cầu xử lý những công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước, lên phương án nạo vét kênh rạch, tuyên truyền người dân không xả rác, lắp chặn các miệng thu nước và đẩy nhanh tiến độ những công trình thoát nước.

Theo khảo sát, TP Hồ Chí Minh còn tồn tại 59 trường hợp công trình xây dựng lấn chiếm cửa xả trên 23 tuyến đường, lấn chiếm gần 500 hầm ga, 13,9km cống, 61 vị trí kênh rạch bị lấn chiếm. Các vị trí lấn chiếm trên tồn tại ở các quận Tân Bình, Gò Vấp, Nhà Bè, Bình Thạnh, Thủ Đức quận 2, 4, 7, 9 và 12.

Vào thời điểm đầu mùa mưa năm nay, TP Hồ Chí Minh còn tồn tại 40 điểm ngập do mưa và 9 điểm ngập do triều cường. Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước của thành phố cho biết Trung tâm đã đề xuất đầu tư 2.971 tỷ đồng cho công tác chống ngập trong năm 2017. Trong đó, khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 51 dự án chống ngập, và 971 tỷ đồng sẽ dùng để phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống chống ngập hiện hữu.

Theo các chuyên gia, còn nhiều nguyên nhân khiến “mưa là ngập” mà người dân thành phố nghe nhiều đến mức đã nằm lòng. Đó là hệ thống cống trên địa bàn thành phố cũ kỹ và nhỏ so với lưu lượng nước thực tế, lại bị ảnh hưởng do rác thải nên nước không thể thoát. Bên cạnh đó là nguyên nhân  đô thị ở thành phố bị “bê tông hóa”, nước mưa không thể thẩm thấu vào đất gây ngập. Tình trạng lấn chiếm kênh rạch vẫn tồn tại và tiếp tục xảy ra. Trong khi đó, nhiều dự án chống ngập, chống triều triển khai chưa hoàn thành, chưa vận hành.

“Người dân chúng tôi giờ muốn lựa chọn khác cũng không được mà phải chấp nhận sống chung với ngập. Không biết đến bao giờ đây?”, anh Nguyễn Văn Út, nhà trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, chia sẻ nỗi niềm sau cơn mưa…

Nghinh Phong
.
.
.