Để không còn cảnh “giải cứu” nông sản

Thứ Hai, 28/05/2018, 09:20
Những năm gần đây, người tiêu dùng trên cả nước liên tiếp hỗ trợ “giải cứu” các mặt hàng nông sản do không có nơi tiêu thụ. 

Việc ùn ứ nông sản (củ cải, bắp cải, quả vải, dưa hấu, hành tím, chuối, đường cát, ớt…) đến độ “giải cứu” xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng vẫn là sự bế tắc ở đích đến cuối cùng trong chuỗi giá trị - đó là khâu tiêu thụ.

Tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, phá vỡ quy hoạch… là những cụm từ chúng ta vẫn thường nghe mỗi khi sản xuất nông sản gặp vấn đề về khâu tiêu thụ. 

Các mô hình, cơ chế, chính sách để xóa bỏ tình trạng tự phát, nhỏ lẻ, manh mún đều đã có, nhưng chưa đủ sức thu hút nông dân tham gia, nên chưa thể giải quyết một cách căn cơ vấn đề này. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến cho một số mặt hàng nông sản chưa thể thoát khỏi tình trạng giải cứu, mà mới đây nhất là mặt hàng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung.

Tham gia “giải cứu” dưa hấu. (Ảnh minh họa)

Việc “giải cứu” nông sản như vừa qua và mới đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, muốn không còn tái diễn cảnh “giải cứu” nông sản, điều quan trọng là làm thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất của người nông dân, hướng họ đến những cách làm mới, tiên tiến và hiệu quả hơn. 

Đây là việc làm khó, lâu dài, nhưng cần thiết và buộc phải làm để mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển bền vững của đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được thành công như kỳ vọng. 

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm thực hiện là xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ để hạn chế rủi ro cho nông dân. Đây là vấn đề được đề cập rất nhiều, kể cả trên nghị trường, nhưng hiệu quả đến nay chưa như mong đợi. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào đó, tất sẽ dẫn đến những rủi ro cao. 

Đơn cử như thị trường Trung Quốc, hầu như các mặt hàng nông sản nào do Việt Nam sản xuất, thị trường này đều có nhu cầu rất lớn, mặc dù trong nước họ vẫn sản xuất được.

Như vậy, muốn bán được hàng nông sản sang Trung Quốc một cách tốt nhất, ngoài chuyện phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ra, chúng ta cần tìm hiểu xem, lúc nào nhu cầu họ cần cao, nhưng sản lượng trong nước họ ít thì mới đưa hàng của mình sang. 

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, thực trạng “giải cứu” nông sản vẫn sẽ tái diễn trong tương lai. Chính thị trường tiêu thụ Trung Quốc đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề đầu ra của nông sản Việt Nam. 

Ngoài ra, người nông dân chưa hình thành được thói quen canh tác sản phẩm đặc thù, mang thương hiệu để cung ứng cho các thị trường khó tính. 

“Quan trọng nhất là cơ chế quản lý của Nhà nước. Chúng ta có tầm nhìn chiến lược và quy hoạch cụ thể, thế nhưng chưa có chế tài đối với những hộ sản xuất không theo quy hoạch. Còn những hộ sản xuất theo quy hoạch thì chưa có chính sách ưu đãi. Thực tế cho thấy, vấn đề cốt lõi là người nông dân và doanh nghiệp cần phải liên kết kế hoạch sản xuất trước, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, chính quyền chức năng là cầu nối, đảm bảo pháp lý cho sự liên kết trên” – ông Trần Anh Thư phân tích.

Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề mở rộng, tiếp cận thị trường một cách khôn ngoan để định hướng cho sản xuất, giúp tối ưu hóa hiệu quả là rất cần thiết và giải quyết căn cơ bài toán “giải cứu” nông sản như vừa qua.

Đức Văn
.
.
.