Đấu tranh ngăn chặn tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề tái chế nhựa tỉnh Hưng Yên
Mỗi ngày có khoảng 150 tấn nhựa phế liệu được đưa vào các làng nghề để tái chế. Do là nhựa được thu mua từ khắp mọi nơi nên bắt buộc phải qua công đoạn rửa thải. Tuy nhiên hoạt động sản xuất này không được xử lý mà được chảy trực tiếp ra hệ thống sông mỗi ngày từ gần 900 đến 8.800m³/ngày đêm và thải khoảng 60 tấn nhựa phế thải ra các bãi rác của làng nghề gây ô nhiễm đất, nước và không khí trầm trọng.
Kéo theo đó là hàng loạt vi phạm về phòng cháy chữa cháy, gây mất an toàn giao thông... Nhưng cũng chính hoạt động tái chế nhựa này đã mang lại thu nhập lớn cho người dân, nên vì cái lợi trước mắt mà các hộ kinh doanh đã đánh đổi cả mạng sống của mình và gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân xung quanh.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh mở đợt cao điểm về phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tái chế nhựa, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, xử lý quyết liệt các vi phạm về môi trường và phòng chống cháy nổ tại các làng nghề; phối hợp với các ngành chức năng triển khai các biện pháp, khảo sát, thống kê các hộ kinh doanh vi phạm; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành của các hộ kinh doanh tại các làng nghề; tiến hành lấy mẫu nước tại các cơ sở kinh doanh nhằm xác định mức độ ô nhiễm tại làng nghề, quá trình phân tích mẫu nước cho thấy mức độ ô nhiễm đã vượt tiêu chuẩn 2,83 lần cho phép. Với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng trên, lực lượng Công an đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn nguyên liệu đưa vào các làng nghề, do vậy đến nay hoạt động sản xuất tràn lan của các hộ dân đã giảm đi đáng kể.
Qua 2 tháng cao điểm, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện Mỹ Hào, Văn Lâm đã tuyên truyền cho 100% các hộ dân sản xuất tại làng nghề; tiến hành xử lý 26 vụ việc vi phạm (chủ yếu là vi phạm về quản lý chất thải) phạt số tiền trên 250 triệu.
Số lượng tổ chức cá nhân hoạt động trong làng nghề đã giảm 50%; tình trạng xe container ra vào để bốc, dỡ, vận chuyển phế liệu, lượng nước thải và chất thải rắn ra môi trường đã giảm. Nhưng để xử lý dứt điểm các vi phạm trong việc xả thải gây ô nhiễm tại làng nghề còn rất nhiều khó khăn.
Thượng tá Phạm Chí Thành – Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, khó khăn trong công tác xử lý vi phạm là do ý thức của người dân còn thấp. Hơn nữa, mức xử phạt vi phạm về môi trường cao nhưng không có các ràng buộc để buộc người dân phải chấp hành, cho nên hiệu quả công tác xử lý còn thấp. Do vậy dẫn đến tình trạng người dân vẫn sản xuất tràn lan như thời gian vừa qua.
Với sự nỗ lực của các ngành chức năng và lực lượng Công an trong việc tuyên truyền và xử lý các vi phạm, hoạt động tái chế nhựa phế liệu tại làng nghề thôn Minh Khai (Văn Lâm) và Phan Bôi (Mỹ Hào) đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của người dân được nâng lên.
Tuy nhiên để các hộ kinh doanh trong làng nghề thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, trong thời gian tới lực lượng Công an sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh vi phạm nhằm tạo sự răn đe chung cho các hộ hoạt động trong lĩnh vực tái chế phế liệu nhựa trên địa bàn.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và thôn Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, bên cạnh kế hoạch di dời làng nghề ra khỏi khu dân cư thì cơ quan chức năng các cấp cần có chế tài đủ mạnh nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường tại các làng nghề. Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân tham gia sản xuất phế liệu nhựa tại làng nghề.