Ô nhiễm môi trường ở thôn Minh Khai, thị trấn Như quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên:

Nỗi buồn làng mang tên “thành phố rác”

Thứ Tư, 18/11/2015, 10:03
Rác rơi bừa bãi dưới lòng đường. Bụi hắt vào mặt người mỗi khi gió thổi qua, kèm theo đó là mùi khét của nhựa cháy và mùi hôi của rác thải. Chai nhựa, túi nilon, nhựa phế liệu, bao tải… mà người dân thu mua từ nhiều nơi được bó chặt, nén trong bao để tràn lan trong từng ngõ, ngách. Đó là cảm nhận đầu tiên khi bước vào thôn Minh Khai, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Làng nghề tái chế phế liệu thôn Minh Khai (còn gọi làng Khoai), huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên có khoảng 900 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề này. Làng Khoai từ lâu đã trở nên nổi tiếng bởi sự giàu có bằng nghề buôn phế liệu, tái chế thành bàn ghế nhựa, chậu nhựa, túi nilon. Sự giàu lên từng ngày của làng nghề này, cũng gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn ngày một nặng nề.

Người dân đi thu gom phế thải từ khắp nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… mang theo nhiều chất độc hại và vi khuẩn gây bệnh. Về làng rác phế liệu được chất trong mọi khoảng trống. Những người dân quanh khu vực này đều ví von làng nghề tái chế rác này là “thành phố rác”. Bước chân vào làng dễ nhận thấy con mương rộng có màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Cái loại túi nilon, rác thải không tái chế nằm chất đống bờ mương khiến ai đi qua khu vực này đều lắc đầu ngao ngán.

Ông Hùng, một người dân sống gần khu vực này cho biết: Do công việc kinh doanh, nên ngày nào ông cũng phải đi qua ngôi làng này, mỗi lần đi qua là mùi nhựa cháy bốc lên nồng nặc, vô cùng khó chịu. Từ con kênh ngoài đầu làng, đi vào từng ngõ nhỏ, từ đầu chợ đến cuối chợ, cứ chỗ nào có khoảng trống là người ta lại đổ rác.

Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, xử lý chất thải theo kiểu thủ công, tự phát là những yếu tố khiến mức độ ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng trở nên trầm trọng. Hầu hết người dân làm nghề chế biến rác thải đều dựng xưởng ngay trên sân nhà, không có biện pháp xử lý ô nhiễm. Mỗi ngày có hàng trăm tấn nhựa phế liệu được đưa về làng bằng những chiếc xe tải loại lớn. Vào những ngày nắng nóng, bụi tung hoành khắp mọi nơi, mùi khét của nhựa khiến không không khí trở nên đặc quánh, vô cùng khó chịu.

Rác ngập tràn thôn Minh Khai.

Những cánh đồng thơm mùi lúa chín, những em bé thả diều tắm ao một thời, đã trở thành cảnh tượng của dĩ vãng. Mặc dù chính quyền địa phương cũng lập khu làng nghề để giảm bớt ô nhiễm gần khu dân cư, nhưng các đoàn xe tải vẫn tiếp tục chở rác về làng mỗi ngày, khiến cả khu làng nghề cũng quá tải. Trao đổi với anh Nam, một lao động tới từ Hải Dương cho biết: “Lúc đầu mới đến làm việc, tôi không tài nào chịu nổi không khí ở đây. Mùi của rác chưa tái chế và mùi nồng, khét của nhựa, thêm cả tiếng ồn của máy khiến nhiều đêm tôi mất ngủ. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh thì phải chịu vậy thôi”.

Sự ô nhiễm của làng nghề tái chế rác thải đang ở mức độ báo động, do người dân đang hàng ngày phải sống chung với mọi thứ độc hại. Thiết nghĩ  cơ quan quản lý huyện Văn Lâm sớm đề ra những quy định và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường cho làng nghề, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, trước đà phát triển mạnh của sản xuất thủ công nơi đây. Không để người dân làm giầu từ làng nghề, nhưng đeo đẳng mang bệnh cả đời.

Thúy Hằng
.
.
.