Tiêu huỷ toàn bộ tôm hùm đỏ tại Đồng Tháp

Thứ Ba, 07/02/2017, 21:33
Thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chia sẻ với CAND Online vào trưa 7-2. 

Những ngày qua, dư luận xôn xao về một doanh nghiệp thuê đất trồng sen tại Đồng Tháp, sau đó người dân phát hiện có nuôi tôm hùm đỏ. Đây là sinh vật ngoại lai, trong danh sách cấm nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Công ty TNHH Sen Hoàng Giang (Công ty Sen Hoàng Giang) do ông Trần Văn Hoà làm giám đốc. Đầu năm 2016, doanh nghiệp này thuê đất trồng lúa của người dân tại xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh) trồng sen.

Khu vực trồng sen của công ty bị thiệt hại hoàn toàn. Ảnh THĐT.

Ông Đinh Văn Út (xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh), người cho Công ty Sen Hoàng Giang thuê 2.500m2 đất trồng sen cho biết: tháng 4-2016, ông được công ty thuê trồng sen và có sự hướng dẫn của các lao động Trung Quốc về kỹ thuật canh tác và lấy ngó. Tuy nhiên đến nay, toàn bộ diện tích trồng sen của công ty chưa thu hoạch lần nào đã thiệt hại hoàn toàn. “Đang trồng thì rất tốt, nhưng khi móc củ lấy giống trồng sang chỗ khác thì gặp nước lên. Sen ngập nước 3 ngày thì chết hết. Nó khác với sen bản địa một cái là không có bông, không có gương mà chỉ lấy ngó và lấy củ”, ông Đinh Văn Út nói.

Ông Đinh Công Út bên giống sen mà công ty trồng, nhưng đã thiệt hại hoàn toàn. Ảnh THĐT.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, diện tích đất mà Công ty Sen Hoàng Giang của ông Út nằm trong 22ha đất lúa được công ty thuê của người dân để trồng sen với giá 3,5 triệu đồng/công/năm. Công ty này thuê trong thời gian 3 năm, thực hiện dự án trồng sen lấy ngó xuất khẩu. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho phép công ty trồng thử nghiệm 3.000m2 với điều kiện cách ly với vùng quy hoạch sản xuất sen địa phương. Trong quá trình công ty trồng thử nghiệm giống sen mới, người dân phát hiện tại khu vực công ty thuê đất làm nhà xưởng thuộc khu đê bao số 8A, có nhiều sinh vật ngoại lai.

Nhà xưởng Công ty Sen Hoàng Giang. Ảnh THĐT.

Chi cục thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp đã đến xác minh 2 lần, xác định đây là giống tôm hùm đỏ, thuỷ sinh vật ngoại lai có nguy cơ gây hại cao được thả ao nuôi thử trên diện tích 500m2. Ông Trần Văn Hoà, giám đốc công ty thừa nhận được một người bạn cho 4kg loại tôm này nên mang về nuôi thử. 

Ngoài Đồng Tháp, trước đây tôm hùm đỏ từng phát hiện tại Hậu Giang và Sóc Trăng. Ảnh Ca Linh

“Xác định đây là sinh vật ngoại lai có sức tàng phá lớn nên đã đề nghị ông Hoà thu gom lại tiêu huỷ. Ông Hoà đã cộng tác tích cực, tát nước thu gom những con tôm thả trong ao. Chúng tôi đề nghị phun hoá chất diệt tất cả các con còn lại trong ao. Hai điểm mà chúng tôi kiểm tra đã tiêu huỷ đều thành công và không còn nguy cơ phát tác ra ngoài”, ông Phạm Minh Chí, Phó trưởng phòng thanh tra pháp chế - Chi cục Thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Nhà xưởng Công ty Sen Hoàng Giang. Ảnh THĐT. 

Ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết thêm: ngày 5-2, đoàn kiểm tra của Sở phối hợp cùng ngành chức năng đến kiểm tra dự án trồng sen của Công an Sen Hoàng Giang thì ông Trần Văn Hoà và những công nhân Trung Quốc không có mặt. Hiện tại, số sen công ty này trồng đã chết hết, còn số sinh vật ngoại lai (tôm hùm đỏ), Chi cục Thuỷ sản đã hai lần kiểm tra và tiêu huỷ hết.

“Ngành nông nghiệp đã nhiều lần tiêu hủy tôm hùm đỏ của doanh nghiệp. Đối với người Trung Quốc làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan Công an xác định có đầy đủ giấy tờ theo quy định”, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói và cho biết thêm: loài sen mà doanh nghiệp trồng được lấy từ Hà Cối, một xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Doanh nghiệp này trồng để lấy ngó, vì ngó loại sen này lớn hơn sen bản địa và đang trồng khảo nghiệm. Trong quá trình trồng, vào tháng 6-2016, ngành chức năng đã phát hiện doanh nghiệp thả nuôi tôm hùm đỏ nên Chi cục Thuỷ sản đã tiến hành tiêu huỷ 2 lần. Chủ doanh nghiệp chấp hành rất tốt và phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tiêu huỷ tôm hùm đỏ. Ngành chức năng đang theo dõi sát sao, vì không loại trừ loài tôm này đào hang nên sẽ liên tục kiểm tra, phát hiện tới đâu thì tiêu huỷ tới đó, xử lý một cách triệt để.

Tôm hùm đỏ (tôm hùm nước ngọt, tôm hùm đất, tên khoa học là Procambarus clarkii), có nguồn gốc từ Đông Nam Hoa Kỳ. Hiện Trung Quốc là nơi sản xuất loài tôm này lớn nhất thế giới. Ở Nhật, loài tôm này sống nhung nhúc trong các cống rãnh ô nhiễm giữa thành phố như loài chuột cống. Loài tôm này có tuổi thọ 5-6 năm. Bề ngoài loài tôm này nhìn giống như tôm hùm nhưng chỉ to bằng hai ngón tay, đặc biệt có hai càng to như càng cua. Chúng có hai càng to dùng để đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn, đấu tranh sinh tồn. Loài tôm này có hình thù kỳ lạ, có cái mũi như đầu châu chấu, phần đầu to như mai con cua với 8 cẳng tủa hai bên và hai cái càng to.

Tôm hùm đỏ là loài thuỷ sinh vật ngoại lai, có khả năng mang mầm bệnh. Vào mùa sinh sản, chúng còn đào hang đẻ con giống như cua đồng, hay như con cáy. Chúng có khả năng đào hang sâu hơn cả cua, khỏe hơn cả chuột. Chính vì vậy có lo ngại loài tôm càng này có thể gây ra thảm họa tàn phá không khác gì ốc bưu vàng vì với thói quen đào hang sâu đến 2m sẽ có nguy cơ phá hỏng hệ thống đê điều. Ảnh Internet

Chúng có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ từ 0 đến 38 độ C và cũng có thể chịu đựng được môi trường nước lợ, điều này được coi là bất thường đối với một con tôm. Với sức đề kháng mạnh, chúng có thể sống trong môi trường ô nhiễm, thậm chí sống trong cống rãnh. Loài tôm này thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Đây là loài tôm ăn tạp, sống trong đầm lầy nước ngọt và nước lợ, là loài có sức mạnh nên có thể ăn tất cả động vật và cây cỏ. Chúng có thể ăn các loại côn trùng, nhiều loại cây cỏ nên sinh sôi nảy nở rất nhanh. Nếu không đủ thức ăn, loài này sẽ ăn sang hoa màu, thậm chí chúng còn ăn được cả gỗ, làm biến dạng môi trường sống. Chính vì khả năng thích ứng với nhiều loại môi trường, nên loài tôm này đã di cư từ ao hồ, ruộng vườn ra sông suối. Không chỉ sống tốt ở môi trường nước ngọt, loài tôm này còn sống tốt trong các đầm lầy.

Với hai càng to, loài tôm này rất hung hăng, nên khi thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công các loài tôm bản địa. Nếu nuôi đại trà loài thủy sản này sẽ là mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn để đấu tranh sinh tồn. (Theo Wikipedia).

Văn Vĩnh
.
.
.