Đã có chế tài mạnh xử phạt chủ chó, nhưng sẽ thực hiện thế nào?

Thứ Hai, 04/09/2017, 09:36
Phong trào nuôi chó cưng đang phát triển mạnh, nhất là ở thành phố lớn như  Hà Nội. Vào sáng sớm hoặc buổi chiều, hiện tượng người đưa chó theo vào Công viên Thống Nhất hoặc khu vực hồ Hoàn Kiếm đã trở nên phổ biến.


Tuy nhiên, từ 15-9-2017, khi Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, người đưa chó ra nơi công cộng không xích, không có rọ mõm có thể bị phạt từ 600 - 800 ngàn đồng.

Đa số những người thường xuyên ra Công viên Thống Nhất tập thể dục hoặc khách vào công viên vui chơi đều bất bình trước tình trạng có nhiều chó to, chó nhỏ được thả rông, không đeo rọ mõm, chạy đuổi, vờn nhau.

Dù đa số đều là chó cưng, có nguồn gốc nước ngoài, với mức giá từ 2 đến hơn 20 triệu đồng một con; nhưng với bản năng động vật, chúng có thể phóng uế bất cứ lúc nào; vì vậy, nếu không để ý, người đi tập thể dục, hoặc khách vào công viên vui chơi có thể giẫm phải phân chó, hoặc những mùi xú uế rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường; hậu quả làm phát sinh nhân công thu dọn.

Nguy hiểm hơn là những con chó bất ngờ tấn công người, nhất là những em nhỏ đang vui đùa trong công viên. Bởi có nhiều người đưa vào công viên những con chó to, thuộc giống chó dữ như Becgiê, Pitbull, chúng tỏ ra rất hung dữ.

Ở TP Hà Nội đã từng xảy ra một số vụ giống chó này tấn công cả chủ chó, điển hình là trường hợp một chủ chó ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, bị 4 con chó giống Pitbull do chính người này nuôi tấn công gây thương tích.

Trước thực trạng trên, tại cổng ra vào của Công viên Thống Nhất, đơn vị quản lý công viên mới làm lại làm một tấm biển ghi rõ "Yêu cầu không mang, dắt chó vào công viên", nhưng các chủ chó vẫn phớt lờ tấm biển này; còn lực lượng bảo vệ thì tỏ ra bất lực.

Tình trạng thả rông chó ở nơi công cộng cũng rất phổ biến tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, mặc dù nơi đây cũng có một Ban quản lý chuyên đảm bảo an ninh trật tự xung quanh hồ.  Ông Nguyễn Đăng Long, cán bộ lão thành, hưu trí ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm thường xuyên ra khu vực hồ Hoàn Kiếm tập thể dục buổi sáng đã bức xúc nhiều lần viết thư gửi lãnh đạo thành phố đề nghị cấm dắt chó, thả chó xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, gây mất vệ sinh và văn minh đô thị, vì nơi đây có nhiều  du khách trong và ngoài nước tham quan du lịch…

Chó là một loài vật thông minh, gần gũi với con người, nuôi chó, chăm sóc chó cưng là thể hiện tình yêu thương động vật. Tuy nhiên, không vì nuôi chó mà đe dọa đến  an toàn của người khác, gây mất vệ sinh công cộng.

Còn nhớ,  cách đây vài năm, trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, chỉ trong thời gian khoảng 1 tháng, đã có gần 100 trường hợp người bị chó cắn, do tình trạng nuôi chó, thả chó rông tràn lan trong khu dân cư. Đến mức, mỗi thôn phải thành lập một tổ công tác, cứ thấy chó thả rông là được quyền tiêu diệt tại chỗ; cho dù việc làm này cũng vấp phải nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận.

Từ 15-9 này, khi Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực thì những trường hợp chó không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt chó khi đưa chó ra nơi công cộng hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc tiêm phòng sẽ bị phạt từ 600 - 800 ngàn đồng.

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 300 ngàn đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh cho vật nuôi bằng vaccin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác với động vật. Nếu vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh, chủ vật nuôi không thực hiện biện pháp cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật (trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc) sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng…

Thực ra, trước đây cũng đã có quy định xử phạt từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với chủ nuôi thả rông chó. Lần này, việc tăng mức xử phạt bằng tiền sẽ đảm bảo tính răn đe cao hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng thả rông chó như hiện nay. Tuy nhiên, dù có tăng cao mức xử phạt, nhưng nếu mức phạt chỉ quy định trên giấy mà không có biện pháp xử lý người vi phạm thì sẽ không đảm bảo tính răn đe.

Trao đổi thông tin về tăng mức xử phạt với chủ nuôi thả rông chó với nhân viên bảo vệ và nhân viên kiểm soát vé Công viên Thống Nhất tại cổng Nguyễn Đình Chiểu, họ cho biết: "Đến cấm người đưa chó vào công viên chúng tôi còn gặp phải những phản ứng dữ dội từ chủ chó; còn việc xử phạt họ thì chúng tôi không có thẩm quyền".

Đúng vậy, theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND các cấp; lực lượng thanh tra chuyên ngành và lực lượng Công an. Tuy nhiên, để việc xử lý vi phạm làm tới nơi, tới chốn, theo chúng tôi cần có sự phối hợp của 3 lực lượng nêu trên.

Khi tiến hành xử phạt cần có kế hoạch, chuyên đề cụ thể; để nếu người vi phạm (chủ chó) không chấp hành, thì có nhân viên thú y tiến hành thu giữ vật nuôi, có chuồng trại nhốt, đánh dấu vật nuôi vi phạm và hình thức xử lý tiếp theo… Cần phải làm kiên quyết, trước mắt, cần thí điểm tập trung xử lý  tại các công viên, vườn hoa công cộng,  tránh tình trạng "nhờn luật" như thời gian qua. 

Đào Minh Khoa
.
.
.