Cuộc sống mới ở bản Pả Thanh

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:49
Cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) chừng 1km về phía Bắc có ngôi làng mới được xây dựng khang trang. Đây là khu di dân tái định cư vùng ven thị trấn Lao Bảo, song với bà con đồng bào người Vân Kiều gọi nó là bản Pả Thanh. Cách gọi này để bày tỏ lòng biết ơn người đã khai phá ra vùng đất, xây dựng nên bản làng mới hôm nay…


Từ TP Đông Hà lên cửa khẩu Lao Bảo, khi còn cách barie biên phòng chừng 50m, có con đường bê-tông rẽ phải. Theo đường này chừng 50m lại có con đường bê-tông vừa mới được xây dựng phẳng phiu, nằm về phía bên trái dẫn vào bản Pả Thanh cách đó chừng 1km. Bản hiện ra trong ánh nắng vàng rực vùng biên ải của một ngày đầu năm, đẹp như tranh vẽ. Trưởng bản Hồ Dừa dẫn tôi một vòng quanh, khoe nhà cửa, đất đai màu mỡ với cây trái sum suê; rồi mời khách vào nhà đãi món vịt nướng, nhâm nhi với chén rượu trắng nấu từ men lá cây rừng. 

Ông bảo: “Khác với nhiều nơi ở miền núi, dân bản Pả Thanh chỉ uống rượu khi có khách quý. Ngay cả khi lễ, Tết, rượu ở đây cũng được bà con hạn chế uống, để dành thời gian lao động sản xuất, chăm lo gia đình, tránh xảy ra những việc xấu ngoài ý muốn, không lường trước…”. 

Lát sau, ông cho biết, người Vân Kiều rất hăng say lao động, song trước đây hiệu quả mang lại không cao, một phần do đất đai cằn cỗi, mặt khác việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế. Năm 2015, kể từ khi được di dời, xây dựng lại nhà cửa, phát triển kinh tế trên vùng đất mới, cuộc sống bà con  đã có rất nhiều thay đổi...

Nhà cửa người dân ở bản Pả Thanh được xây dựng khang trang, bề thế. 

Đợi tới chập choạng tối, ông Dừa mới đưa chúng tôi đến gặp già làng Hồ Tà Chót. Già Chót vừa đi thăm một người bà con quen ở xã Húc Nghì, huyện Hướng Hóa trở về. Lý do ông Dừa dẫn chúng tôi đến gặp già Chót, bởi già là người lớn tuổi, có uy tín nhất trong bản, cũng là người kịch liệt phản đối chuyện di dân đến nơi ở mới, rồi sau đó lại là người tiên phong giải thích, vận động bà con thực hiện việc làm này. 

Nhắc lại chuyện cũ, già Chót bảo: “Ban đầu già không đồng ý (di dân), bởi vì từ lâu bà con ở bản đã có được kinh nghiệm của người Kinh, an cư mới lạc nghiệp. Nhưng sau đó, già nhận ra, bản thân mình và bà con mình từ hàng chục năm qua đã áp dụng kinh nghiệm này một cách cứng nhắc. Trong khi thực tế đất đai ở bản cũ khô cằn, việc phát triển kinh tế theo điều kiện của đồng bào không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, tác động lớn nhất, làm thay đổi suy nghĩ của già là ông Võ Thanh, Chủ tịch huyện bây giờ”. 

Già Chót chậm rãi kể: “Năm 2013, Võ Thanh đến bản, đến nhà của già rất nhiều lần để vận động, giải thích việc nên di dân đến nơi ở mới. Một hôm, sau nhiều lần giải thích, vận động già không được, Võ Thanh liền đưa ly rượu gạo lên ngang ngực của mình và nói với già, trước khi uống. “Con nói với già bằng tình cảm chân thật, bằng cái tâm của mình”. Già lúc đó vặc lại: “Đôi khi con người ta thường nói hay để lấy lòng người khác, rằng già thấy điều đó là chưa đủ”. 

Võ Thanh lại đưa ly rượu lên ngang đầu mình và nói tiếp: “Con cũng nói với già bằng lý trí và niềm tin của mình, cũng là niềm tin giữa con và già và bà con dân bản”. Già khi đó bắt Võ Thanh giải thích hai từ niềm tin. Võ Thanh nói, “Con người ta sống cần phải có niềm tin. Giữa nhân dân và chính quyền cần phải có niềm tin, phải xem niềm tin là thứ tài sản quý giá nhất không gì sánh đổi được. Không có niềm tin, làm mất niềm tin của nhau, thì mọi thứ dễ thành ra ích kỷ, tư lợi”… 

Lúc này thì già tin Võ Thanh và thấm thía được hai từ niềm tin đó của Võ Thanh nên gật đầu đồng ý! Cũng từ niềm tin mà sau này ông Thanh mạnh dạn đưa nguồn tiền Nhà nước cho nhân dân trực tiếp làm nhà, chỉ cử cán bộ giám sát việc xây nhà đó là phải to, đẹp hoặc ít nhất cũng ngang bằng với bản thiết kế mẫu của huyện. Dân bản nể phục ông Thanh đã không một ai làm trái ý, tuyệt đối không sử dụng đồng tiền này vào việc riêng như một số nơi đã từng dùng nó để ăn tiêu, uống rượu…

Đến nay, bản mới Pả Thanh đã có 53 hộ gia đình được xây dựng nhà cửa rất khang trang. Cuộc sống nơi ở mới đã gấp hàng chục lần nơi ở cũ, trong đó hộ gia đình nào cũng có đất đai tươi tốt để phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Nhà nào nuôi ít nhất cũng chục con dê, vài trăm con gà, vịt và heo. Ngoài ra, bà con chú trọng trồng các loại rau xanh với bón phân tự nhiên, được người tiêu dùng tin tưởng thu mua, cho thu nhập khá cao. 

Ghi nhớ tấm lòng, việc làm của ông Võ Thanh, cả bản đã nhất trí theo già làng Hồ Tà Chót, đặt tên bản mới của mình là bản Pả Thanh!

Phan Thanh Bình
.
.
.