Cúng sao giải hạn đầu năm: Cẩn thận kẻo tiền mất, tật mang

Thứ Bảy, 04/02/2017, 14:24
Cũng đã gần như thông lệ, hàng năm, từ sau Tết Nguyên đán cho đến hết rằm tháng Giêng, nhà nhà lại bày biện lễ cúng dâng sao giải hạn. Nhiều chùa chiền, đặc biệt là những ngôi chùa nổi tiếng thành địa chỉ để nhiều người cùng đổ xô về nhờ nhà chùa làm lễ cúng kéo theo không ít hệ lụy…


Chỉ cần gõ cụm từ “dâng sao giải hạn”, trong 0,31 giây, google lập tức cho gần 1,5 triệu kết quả. Gần như tất cả thông tin về chỉ dạy cách xem sao hạn, phong tục cúng sao cho đến các cách chuẩn bị lễ vật, cúng cho đúng cách, địa điểm bán đồ cúng, dịch vụ cúng đều được bày vẽ cụ thể đến từng chi tiết. 

Cũng đã gần như thông lệ, hàng năm, từ sau Tết Nguyên đán cho đến hết rằm tháng Giêng, nhà nhà lại bày biện lễ cúng dâng sao giải hạn. Nhiều chùa chiền, đặc biệt là những ngôi chùa nổi tiếng thành địa chỉ để nhiều người cùng đổ xô về nhờ nhà chùa làm lễ cúng kéo theo không ít hệ lụy…

Giữa trưa ngày 3-2, tổ đình Phúc Khánh (người dân quen gọi là chùa Phúc Khánh) trên phố Tây Sơn, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn tấp nập khách thập phương ra vào. Chỉ cần những người làm công tác hướng dẫn, duy trì an ninh trật tự lơ là một chút là xe để tràn trên vỉa hè. Những người làm bãi giữ xe tự phát ra sức mời gọi khách thập phương. 

Tranh thủ một vài phút tạm thưa khách, kê ngay ngắn lại tấm biển hướng dẫn giữ xe miễn phí, Thượng úy Trương Mạnh Thanh, cán bộ Công an phường Thịnh Quang cho biết, khách thập phương đến chùa rất đông và ít nhất phải qua rằm tháng Giêng mới vãn người. Những ngày cao điểm, đặc biệt là ngày chùa làm lễ cầu an (14 tháng Giêng), chùa thường đón khoảng 3.000 lượt người. Khuôn viên khá hẹp nên người đến tham gia đứng, ngồi tràn cả ngoài lề đường. Nếu công tác an ninh trật tự không tốt rất dễ lộn xộn. 

Để bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và giao thông thông suốt cho khu vực này, từ trước Tết, địa phương đã phải có kế hoạch phân công cụ thể và vận động tổ chức xã hội, đoàn thể chung tay mới ổn thỏa. Để tránh nạn “chặt chém” du khách gửi xe, năm 2017, địa phương còn phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam tổ chức điểm trông giữ xe miễn phí trong khu vực công viên Ngã Tư Sở. 

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, lượng người đông, thiếu quan sát nên nhiều du khách vẫn phải chấp nhận gửi tạm xe bên lề đường, trước các quán bán hàng hoặc trong hẻm với giá 15.000/ xe.

Bên trong khuôn viên khiêm tốn của tổ đình, gần chục chiếc bàn kê có sẵn giấy và bảng đối chiếu năm sinh với sao chiếu mệnh để khách thập phương tự đối chiếu và ghi vào giấy đăng ký. Bàn nào cùng đầy khách chen chúc đợi chờ đến lượt đăng ký. 

Len lỏi làm xong các thủ tục đăng ký, nộp tiền, chị Hoàng Thị Thanh, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, nhiều du khách thập phương đến chùa làm lễ vì đều cho rằng chùa rất thiêng. Riêng gia đình chị, năm nào cũng đến Phúc Khánh nhờ thầy làm lễ dâng sao giải hạn cho cả nhà vì chùa gần nhà. Năm 2017, gia đình có 3 người, gửi thầy 450.000 đồng vì “giá sàn” là 150.000 đồng/ người.

Tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, từ đầu giờ chiều cùng ngày, lượng người đến khá đông nhưng phòng ghi giấy và nhận lễ cúng dâng sao giải hạn khá vắng. 

Người hướng dẫn cũng không phải là nhà sư trong chùa. Bà cho biết, thông thường, mỗi người nhờ làm lễ gửi khoảng 300.000 đồng/ người. Có người phát tâm gửi nhiều hơn. Một số người nói họ không có tiền, gửi ít hơn, nhà chùa vẫn nhận. Sau khi gửi tiền làm lễ, người gửi không phải lo bất kỳ thêm khoản nào, từ việc viết sớ đến sắm lễ, chùa sẽ lo hết. Nếu ngày làm lễ, người gửi làm lễ dâng sao giải hạn đến tham dự được thì đến, không đến được cũng không sao. Một số người cẩn thận hơn thì vừa đến, vừa tự chuẩn bị thêm một lễ mang đến chùa… 

Một nhà sư ngồi ở bàn ghi nhận công đức cho biết, chùa vừa hoàn thành khóa lễ vào ngày mùng 6 Tết (2-2) cho khoảng 600 người.

Tại đền Tranh (đền quan lớn Tuần Tranh), xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, từ đêm giao thừa cho đến tận rằm tháng Giêng cũng luôn tấp nập khách thập phương. Đây cũng là một trong những địa chỉ thường xuyên đón một lượng khách lớn nhất của tỉnh đến lễ bái và nhờ làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm trong nhiều năm trở lại đây.

Tại Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc, Cự Khối, Long Biên, Hà Nội, quang cảnh khá tĩnh lặng dù đây là một trong những địa chỉ được xếp vào hàng có đông phật tử nhất tại Hà Nội. 

Đại đức Thích Tỉnh Thiền, Phó trụ trì Thiền viện cho biết, chùa không tổ chức lễ dâng sao giải hạn và thực ra phải gọi là dâng sao giải nạn còn giải hạn là do người ta đọc trại mà ra. Lý do nhà chùa không làm lễ này là vì đây chỉ là tập tục của dân gian còn trong nhà Phật thì không có vì Phật không dạy xem sao giải hạn. Tuy nhiên, nhà chùa cũng nương theo đó để làm lễ cầu an chúc phúc cho bá tánh vào lễ Thượng Nguyên tức rằm tháng Giêng. Việc một số nhà chùa tổ chức làm lễ dâng sao giải hạn là do các thầy làm lễ giúp cho bá tánh có nhu cầu và làm lễ chỉ giúp họ được an tâm trong chính lúc đó. 

Đại đức cũng lý giải, năm nào mọi người cũng làm lễ dâng sao giải hạn nhưng năm nào nạn cũng đến. Cái nạn là cái rủi ro, cái thiếu may mắn. Người ta cứ nghĩ nạn là do ngẫu nhiên còn thực ra đều có nguyên nhân của nó và con người phải tìm ra nguyên nhân ấy để mà giải nạn chứ không phải là bỏ vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng mà giải hết nạn. Giải nạn được như thế thì “rẻ” quá. Nếu cầu mà giải được hết nạn thì các thầy ở gần Phật, các thầy sẽ cầu cho bản thân, người nhà của mình tiêu tan hết hạn, nhưng thực tế, bản thân thầy và người nhà của thầy vẫn gặp vận hạn, có bệnh vẫn phải đi đến nhờ bác sĩ chữa… 

Theo quan niệm dân gian, sao chiếu nặng nhất là các sao Kế Đô, La Hầu, sau đó đến sao Thái Bạch và thường là 3 năm một lần. Đây chỉ là cái nạn nhỏ nhỏ so với cái nạn lớn nhất của đời người là già, là bệnh. Nhưng cái nạn lớn này thì con người lại ít quan tâm. Người làm lễ dâng sao giải hạn không hiểu nếu năm nay mình có sao chiếu tốt nhưng mình sống dở thì coi chừng cái nạn nó đến vấn mình. Cái quan trọng nhất là tâm con người tốt xấu chứ không phải là ngày tốt xấu hay giờ giấc tốt xấu. 

Con người sống với nhau tốt hay không, không phải do tuổi tác hợp hay không hợp mà do tâm của họ có đồng cảm hay không đồng cảm. Tâm con người có ác, có xấu. Nếu không muốn gặp nạn, chúng ta chịu khó tu tập, điều chỉnh lại cho nó không xấu, sống vị tha, sống tốt với mọi người, luôn hướng về cái chân, thiện, mỹ thì cuộc sống tốt lên và sẽ không có nạn. Nếu cứ đổ xô bỏ tiền làm lễ cúng sao nhưng sống không thiện, không từ bi hỷ xả, tâm xấu thì vẫn gặp nạn như thường, có khi còn nạn lớn hơn…

Ngọc Nguyễn
.
.
.