Cúng sao giải hạn: Phong tục hay hủ tục?

Chủ Nhật, 20/02/2005, 07:17
Mùng 4 Tết, cô bạn tuổi Mậu Ngọ (1978) hồ hởi thông báo "đã nộp được tiền để 18 tháng Giêng (âm lịch) giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội)". Cô kể rằng vào cái năm cô bị sao Thái Bạch chiếu mệnh, may lên chùa giải hạn nên tiền bạc chẳng những không mất đi mà còn dư dật để cô tậu được "con" xe gas. Có chuyện đó thật sao?

Đúng như bạn tôi nói, để đăng ký, nộp tiền cúng sao giải hạn chẳng dễ dàng chút nào, có nhanh cũng mất non nửa giờ. Sân chùa Phúc Khánh hôm mùng 6 Tết người rất đông. Họ túm tụm quanh 3 cái bàn đăng ký. Người đứng, người ngồi, người lom khom, lúi húi ghi chép làm tăng thêm cảm giác chật chội, chen chúc nơi sân chùa. Bước đầu, người ta sẽ "dán" mắt vào bảng sao đã được nhà chùa phô tô để biết mình, vợ hoặc chồng, con cái, bố mẹ năm Ất Dậu này sao nào chiếu mệnh.

Nếu trúng các sao Thái Dương, Mộc Đức... thì rất tốt, vận may đến suốt năm, còn bị các sao La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô thì coi như gặp vận hạn. Thế nên ai cũng căng mắt mà nhìn, mà đối chiếu. Trong một gia đình có 4 người, ít có trường hợp nào cả nhà không ai bị sao xấu chiếu mệnh. Vì vậy nên ai cũng vội vã đăng ký cúng sao giải hạn. Bản đăng ký yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ, tên, năm sinh của tín chủ. Khi đưa bản đăng ký phải nộp kèm 70.000đ cho nhà chùa.

70.000đ là cái giá quá rẻ để biến rủi thành may, biến sự bất an thành bình an nên chẳng ai "lăn tăn". Kể ra cũng lạ thật, chỉ bằng số tiền này mà thay đổi vận mệnh của một con người trong một năm, làm đổi hướng cả sao chiếu mệnh. Nếu đúng như vậy thì nhà nhà, người người cùng đi giải hạn và trong năm mới chẳng ai mắc phải tai nạn giao thông, ốm đau, thất bát trong làm ăn buôn bán và đương nhiên chúng ta sẽ được sống trong một xã hội bình an và thịnh vượng(?!)

Theo lịch ghi trên tấm bảng dựng ngay lối ra vào thì các ngày mùng 8, 15, 18 tháng Giêng âm lịch sẽ diễn ra các lễ cúng sao giải hạn. Và những ngày này hàng tháng trong cả năm, nhà chùa vẫn tiếp tục làm lễ. Do số lượng người đăng ký ngày càng đông nên vào mỗi dịp giải hạn, sân chùa lại chật ních người. Họ ngồi ngay ngắn nghe nhà chùa làm lễ giải hạn mà không thể nhìn thấy bên trong các nhà tu hành làm lễ như thế nào. Trong vòng một giờ, lễ mới xong.

Cứ thế đều đặn hàng tháng, người ta đến chùa giải hạn, nếu không đến được thì nhờ người nhà đi thay. Tôi đã từng chứng kiến những buổi lễ như thế này và thấy mọi người đều rất tin tưởng vào điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Không biết do có phải đây là một liệu pháp tâm lý không, nhưng qua những buổi lễ như thế mà con người ta hướng thiện và sống tốt đẹp hơn, ắt cũng sẽ đuổi được phần nào tai ương như thuyết Nhân Quả của nhà Phật đã răn. 

Giải hạn ở chùa là một lẽ, nhiều gia đình khá giả, gia đình có người đi cúng lễ còn rước thầy về nhà. Với những buổi như thế, số tiền gia chủ bỏ ra không nhỏ. Nhưng cũng có nhiều nhóm hay đi cúng bái thì vài chục người góp tiền nộp cho thầy làm lễ cũng rẻ hơn làm đơn lẻ. Với những người này thì họ theo lễ giải hạn suốt nhiều năm, có khi còn đặt trước để thầy giải hạn cho vài năm. Thế mới biết, còn rất nhiều người có niềm tin sẽ làm thay đổi mệnh trời và cố làm cho bằng được(?!)

Giáo lý nhà Phật từng có câu ngụ ý rằng: Muốn biết quá khứ của ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn vào cái quả mà ta đang hưởng. Muốn biết tương lai ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân ta đang gieo trồng. Đã biết rằng, nhân nào quả ấy mà nhiều người vẫn tin sẽ giải được hạn sao? 70.000đ hay 110.000đ (giá này phổ biến ở thành phố Hồ Chí Minh) là quá rẻ để người ta làm việc này.

Cũng trong ngày mùng 6 tháng Giêng, trong cuộc khảo sát tình hình cúng sao giải hạn trên địa bàn Hà Nội, Hà Tây, chúng tôi đã "ghi nhận" được một số hình ảnh ở ngay sân chùa mà thấy buồn. Biết rằng hiện nay xu hướng kinh doanh du lịch hành hương đang có chiều hướng phát triển, điều này cho thấy tính chất thương mại hoá trong hoạt động lễ chùa nhưng vẫn thấy không vui.

Nơi khiến chúng tôi buồn nhất phải kể đến là bia Bà La Khê mà sát vách có chùa Diên Khánh trong thị xã Hà Đông (Hà Tây). Bia Bà nổi tiếng là linh thiêng nên hàng năm, đặc biệt là đầu xuân, khách hành hương đến đây rất đông. Không biết có phải sự tấp nập đã "vô tình" biến nơi linh thiêng này thành nơi họp chợ trong sân chùa.

Mặc dù đã từng đi đến khá nhiều điểm hành hương, nhưng tôi chưa thấy ở đâu có dịch vụ ăn uống phát triển như nơi đây. Nào là bún riêu, ốc, đậu, bánh cuốn, bánh giò... nhiều như trong các cuộc triển lãm có sự góp mặt của chợ quê.

Những tấm bạt treo tạm, những bếp than, mùi nắm, muối dầu, mỡ, mùi xào nấu bốc lên pha lẫn mùi hương hoa, khiến người ta nghi ngờ không biết có phải mình đang bước vào nơi linh thiêng, thanh tịnh của quê lụa hay không. Tôi không biết khách hành hương đến đây để lễ Bà, lễ Phật hay để thưởng thức ẩm thực. Và tôi cũng không biết những người trong Ban quản lý cho các dịch vụ này hoạt động với mong muốn làm thay đổi "chức năng, nhiệm vụ" hay muốn đa dạng hoá các hoạt động ở bia Bà.

Trong hàng trăm đôi tay đang chắp lạy thành kính hướng về Bà, có bao nhiêu đôi tay mỗi ngày đã chắp vái hàng trăm lần, mỗi năm chắp vái hàng nghìn lần để lấy tiền khách hành hương. Không biết từ bao giờ, ở đây đã hình thành một đội ngũ khấn thuê. Họ là những người trung gian, đưa lời cầu khấn của người hành lễ đến Bà. Và trong số họ có những người đã mắng gay gắt vào mặt khách hành lễ khi họ trả công chỉ vài nghìn đồng, dù rằng trước đó khi hỏi giá tiền công khấn, họ chỉ khiêm tốn: "Tuỳ tâm".

Trong lúc tôi đứng ngẩn ngơ nhìn những đôi tay chuyên nghiệp và không chuyên kia đang khấn vái lia lịa, một phụ nữ trung niên đến bắt chuyện. Câu chuyện của cô chỉ xoay quanh việc cách đây 2 năm bị một bà khấn thuê tên S chửi chỉ vì sau khi tạ lễ, cô gửi  bà S có... 5.000đ tiền công. "Tôi thấy sợ những lời lẽ của bà ta, tôi càng sợ hơn khi chính từ cái miệng ấy lại đưa những lời cầu nguyện của gia đình tôi đến Bà". Nói rồi, cô chỉ tay cho tôi thấy cái bà S ghê gớm nọ. Bà S hình như đang "phiêu" trong việc đưa lời nguyện cầu của ai đó lên Bà. Mắt lim dim, đôi tay chắp trước ngực - bà đang khấn.

Xổ số cào cũng là dịch vụ hoạt động sôi động ngay bên chỗ hành lễ. Cả một dãy dài hơn chục quán hàng, người ta bán xổ số cào, người ta cào và vứt ngay những số không trúng thưởng dưới chân. Chẳng ai nhận thấy đó là rác rưởi, chẳng ai quan tâm đến vệ sinh môi trường. Cứ thế người ta ăn thua, người ta chộp giật ngay bên cạnh Bà.

Lễ chùa, hành hương về nơi cửa Phật, cửa Mẫu là những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta, nhưng những phát sinh, biến tướng quanh nó khiến nhiều người phải ngậm ngùi. Để chùa chiền, đền miếu... mãi là nơi linh thiêng, thanh tịnh thì bản thân mỗi khách hành hương, mỗi người dân sở tại phải có cái tâm

Cao Hồng - Hồng Hạnh
.
.
.