Dịch bệnh lở mồm long móng tiếp tục lây lan rộng:

Chưa tìm được chính xác chủng virus gây bệnh lở mồm long móng

Thứ Năm, 03/01/2019, 06:35
Ngày 2-1, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông tin phản hồi và lý giải về các nguyên nhân khiến dịch lở mồm long móng (LMLM) lây lan nhanh trong thời gian qua...


Điều khiến dư luận bức xúc, là dù dịch bệnh đang lan rộng nhưng công tác chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch đang có quá nhiều tồn tại dẫn đến dịch bệnh không được khống chế.

Theo Cục Thú y, trong tháng 12-2018, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,...) làm nhiều lợn nuôi thịt của các các hộ chăn nuôi (do chưa được tiêm phòng vaccin LMLM) mắc bệnh.

Cục Thú y cho rằng có 8 nguyên nhân chính là do hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định; mầm bệnh virus LMLM lưu hành nhiều trên đàn gia súc, hầu hết người chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng đàn lợn thịt (chỉ tiêm phòng đàn lợn nái, đực giống), khi gặp thời tiết bất lợi rét đậm, rét hại, mưa nhiều,… sẽ phát sinh dịch bệnh; việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm;

Dịch bệnh lở mồm long móng đang lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát diện rộng.

Các địa phương cũng chưa đề xuất công bố dịch để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Người chăn nuôi không biết được chủ trương và mức hỗ trợ khi có gia súc bị bệnh, chết buộc phải xử lý, vứt xác lợn chết ra đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh...

Đặc biệt, người chăn nuôi tự điều trị gia súc bị bệnh, gây lây lan dịch bệnh sang các đàn gia súc khác chưa có dịch bệnh. Bên cạnh đó, Cục Thú y cho rẳng các địa phương đang sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo hướng gộp đầu mối để tinh giảm biên chế; nhiều tỉnh đã cắt giảm rất nhiều nguồn nhân lực và kinh phí, do đó không còn bảo đảm khả năng tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Cục Thú y cho rằng, các địa phương chỉ có chính sách hỗ trợ tiêm phòng vaccin LMLM cho trâu, bò, lợn nái và lợn đực giống mà không hỗ trợ vaccin tiêm phòng cho lợn thịt, trong khi virus LMLM lưu hành nhiều, nhất là đối với các trường hợp lợn bệnh, người chăn nuôi giữ lại để điều trị, mặc dù lợn có thể khỏi triệu chứng lâm sàng, những vẫn mang và bài thải virus LMLM lây lan sang các đàn chưa bị bệnh.

Tuy nhiên, nhìn vào những lý giải từ phía Cục Thú y, có thể thấy cơ quan này không hề thừa nhận trách nhiệm của mình trong khi đây là cơ quan chủ quản cũng như đứng đầu trong phòng chống dịch của Trung ương tới phạm vi toàn quốc. Lúc dịch bệnh LMLM đang bùng phát dữ dội, cũng không hề thấy động thải của Cục này tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất, tham mưu trình Chính phủ triển khai các giải pháp phòng chống dịch trên diện rộng và các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi.

Điều đáng lo ngại, hiện nay Cục Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI giải trình tự gien virus LMLM đã gây bệnh trong thời gian vừa qua để có cơ sở hướng dẫn sử dụng vắc xin cho phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, theo một thông tin khác, virus gây bệnh LMLM trên lợn hiện nay thuộc type O, dòng SEA, chủng Mya-98 (O/SEA/Mya98).

Chính vì chưa phân tích được chủng virus gây bệnh LMLM hiện nay thuộc chủng gì đã dẫn tới việc mặc dù một số đàn lợn đã tiêm phòng vaccin LMLM theo chủng cũ (chủ yếu là vaccin LMLM type 0) nhưng lợn vẫn bị mắc bệnh.

Chi Linh
.
.
.