Lợn lở mồm long móng, phụ gia, hoa quả trôi nổi vào nội địa

Thứ Năm, 11/01/2018, 08:52
Cuối năm là dịp nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Mặc cái lạnh buốt giá, những chuyến xe chở thực phẩm trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ vẫn “miệt mài” đánh hàng từ biên giới qua tỉnh Bắc Giang về Thủ đô và các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Công an tỉnh Bắc Giang đã liên tiếp phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết thu mua trôi nổi ở biên giới như hoa quả, phụ gia thực phẩm… đặc biệt là lợn lở mồm, long móng.

Lợn lở mồm long móng, phụ gia, hoa quả trôi nổi vào nội địa

Là địa bàn trung chuyển tỉnh biên giới Lạng Sơn với Thủ đô Hà Nội nên hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa cuối năm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hết sức sôi động. Một trong những mặt hàng được vận chuyển và tiêu thụ nhiều dịp này chính là các loại phụ gia thực phẩm.

Điều đáng nói, do ham lợi nhuận, nhiều đối tượng đã thu mua trôi nổi các loại phụ gia thực phẩm ở biên giới với giá rẻ mang về tiêu thụ trong nội địa mà không quan tâm đến hệ lụy như thế nào. Như ngày 3-1 vừa qua, tại Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra xe ôtô mang BKS 29B-011.27 do lái xe Nguyễn Đức Sang (25 tuổi, trú tại tổ 32 phường Quang Trung, TP Thái Nguyên) điều khiển.

Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy lợn lở mồm long móng nhập lậu bị phát hiện, thu giữ.

Qua kiểm tra phát hiện xe vận chuyển 200kg bột phụ gia thực phẩm có chữ nước ngoài trên bao bì. Lái xe Nguyễn Đức Sang không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Loanh quanh một hồi, Sang khai nhận mua trôi nổi bột phụ gia ở biên giới do Trung Quốc sản xuất rồi mang về nội địa tiêu thụ.

Trước đó, ngày 26-12-2017, cũng trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông kiểm tra xe ôtô mang BKS 12B-00142 do lái xe Tạ Đăng Lâm, trú tại Lạng Sơn chở 30 thùng bia, 100 thùng xì dầu, 6 thùng dầu hào với tổng khối lượng là 1,5 tấn.

Không thể xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, lái xe Tạ Đăng Lâm khai nhận hàng hóa do Trung Quốc sản xuất được mua trôi nổi biên giới. Cùng với các loại phụ gia thực phẩm, hoa quả tươi không nguồn gốc xuất xứ cũng liên tiếp bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện.

Đó là vào ngày 29-12-2017, tại đường Võ Nguyên Giáp, thuộc địa phận xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xe ôtô mang BKS 98C-036.80 và xe ôtô mang BKS 98C-080.96 đang vận chuyển 1.600kg quả quýt tươi và 3.000kg quả táo tươi không nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, những ngày cuối năm, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện xe ôtô mang BKS 36C-125.06, lái xe Đào Trọng Ngọc (44 tuổi, trú tại khu phố 3, phường Phú Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa), chủ hàng là chị Bế Thị Hải, 47 tuổi, khu Bình An, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh đang vận chuyển 130 con lợn (15 tấn) trong đó có đến 85 con đã chết.

Kết quả xét nghiệm các mẫu gửi về Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương đã cho thấy kết quả rất đáng giật mình, cả 3 mẫu xét nghiệm đều dương tính với virus lở mồm, long móng.

Theo các cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thì có những con lợn bị chết, những con lợn ngắc ngoải với những bộ phận như móng, mồm bị thối rữa bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nếu vận chuyển trót lọt, những con lợn long móng lở mồm này rất có thể sẽ được phù phép tẩm ướp gia vị và tuồn vào bàn tiệc liên hoan dịp cuối năm.

Quyết liệt ngăn thực phẩm “bẩn”

Nhận thức được thời điểm cuối năm là lúc các đối tượng sẽ tăng cường vận chuyển thực phẩm “bẩn” từ biên giới về, thông qua kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Công an tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ kết hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đánh mạnh thực phẩm “bẩn” không nguồn gốc xuất xứ.

Theo Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung vào những nhóm hàng như may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm…

Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng này là thu mua các loại hàng hóa, nguyên liệu, bao bì giá rẻ, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn mác nhái của các thương hiệu hàng hóa nổi tiếng trên thị trường và tìm nơi tiêu thụ.

Nguy hiểm hơn theo các cán bộ trinh sát của Phòng Cảnh sát môi trường thì nhiều nhãn mác, bao bì, sản phẩm mặt hàng thực phẩm của Việt Nam đã được đặt sản xuất ở Trung Quốc. Sau khi sản xuất, đóng gói nhập lậu qua biên giới và đưa vào trong nước tiêu thụ với nhãn mác Mede in Việt Nam.

Các sản phẩm này được bày bán lẫn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ do nhận thức, hiểu biết của người dân còn hạn chế, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường cũng cho biết, hiện gia cầm, chim bồ câu từ biên giới tập kết về, sau đó xé lẻ để vận chuyển, đi qua các lối tắt để qua Bắc Giang mang về Hà Nội và các tỉnh.

Mọi năm giờ này đã bắt được một số vụ vận chuyển nầm, nội tạng nhưng năm nay chưa phát hiện. Từ nay đến Tết, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ tập trung đấu tranh mạnh vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.

Nguyễn Hương-Trần Hằng
.
.
.