Cử nhân và việc làm - "Khoảng lệch" giữa đào tạo và thực tế

Thứ Hai, 27/11/2017, 13:30
Sinh viên ra trường bây giờ nhiều bạn vất vả lắm mới tìm được việc làm. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, không thể phủ nhận có một tác động rất lớn do chiến lược đào tạo giáo dục của ta còn bị hạn chế. Thế nhưng, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất vẫn xuất phát từ chính học sinh, sinh viên (SV)...

Đào tạo theo kiểu "chạy đua" 

Khi trao đổi với SV ra trường hiện nay, câu nói dí dỏm mà họ ưa dùng, nhưng chứa đựng sự than thân, trách phận: Sau tốt nghiệp là thất nghiệp. Cử nhân đại học (ĐH), học kế toán hẳn hoi ở trường ĐH hoành tráng nhưng ra trường mất 4 -5 năm vẫn phải xách xe máy chạy lòng vòng đi thử vận may ở hết 4-5 công ty, chấp nhận vị trí làm công nhân: 

Vận chuyển hàng, nhân viên kho vận, đóng gói hàng cho siêu thị, làm nhân viên KCS (kiểm định chất lượng) sản phẩm may của một xí nghiệp... đó là hình ảnh của không ít SV ra trường hiện nay trong hành trình tìm việc.

Chia sẻ với PV Báo CAND về điều này, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định, hiện các thành phần kinh tế chỉ cần 12% nhân lực trình độ ĐH. 

Trong khi hằng năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT, trong đó đào tạo trình độ ĐH chiếm 60%. Nhưng từ 3 năm gần đây, hằng năm dư ra 48% lực lượng cử nhân. Số liệu này được Bộ LĐ-TB&XH thống kê công bố hằng quý và con số này đã tác động rất mạnh đến tâm lý phụ huynh, vì cho con học xong ra trường đều mong có việc làm. Nhưng nhu cầu xã hội có bấy nhiêu đó không thể hơn. 

Trong khi đó, các trường CĐ, trung cấp đảm bảo 100% học xong có việc làm với điều kiện đạt được yêu cầu tối thiểu của nhà trường thì truyền thông nói "ra rả" mà nhiều bạn vẫn "chưa thông". Vẫn đổ xô vào thi ĐH. Nên khiến 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tỉ lệ thống kê của năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp.

Cũng theo ý kiến của 1 chuyên gia giáo dục khác, hiện trong cả nước ta có 412 trường ĐH-CĐ, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH, Cao đẳng. Cả nước có khoảng 2,2 triệu SV trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Con số đó đã phản ảnh thực trạng đào tạo ồ ạt ở nước ta, là nguyên nhân khiến các cử nhân sau khi ra trường khó xin việc.

TS Lê Văn Út- Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và Công nghệ - ĐH Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh (HCM) đề cập tới chuyện "ĐH tỉnh": Mỗi tỉnh có nhất thiết phải có 1 trường ĐH không là vấn đề ta cần xem xét. Việc này cũng giống như một hình thức "trang điểm, trang sức". Đây cũng là câu chuyện kéo dài của 10 năm nay, đó là khi ngân sách của địa phương đổ vào đây hàng năm lên hàng trăm tỉ nhưng hiệu quả là chưa  cao. Thứ nhất, SV không mặn mà, chất lượng không đảm bảo. Do đó hiện nay nhiều trường ĐH cấp tỉnh phải sáp nhập vào những ĐH lớn...

Theo thống kê của UBMT TQ TP HCM, cho thấy, hiện có 11.000 giáo viên (GV) mẫu giáo, hưởng mức lương 1,3 triệu đồng. Sau khi được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội gần đây, mức lương này vừa được tăng thêm 700 ngàn đồng/tháng nữa. Nhưng thu nhập như vậy khiến SV ra trường không theo nổi nghề. 

Chính vì vậy, trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP.HCM đề xuất chi hơn 250 tỷ đồng mỗi năm để giữ chân người lao động với GV Mầm non. Đây là dư luận mới "chạm" vào việc đào tạo ngành sư phạm, còn nhiều ngành nghề khác nữa".

"Ngày hội việc làm" tại khu vực TP HCM thu hút đông đảo các bạn trẻ.

Cần thích ứng tình hình mới

Thế nhưng, cũng theo nhiều ý kiến của các đơn vị tuyển dụng, trung tâm hướng nghiệp, đào tạo nhân lực của TP HCM, cho ý kiến, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất vẫn xuất phát từ chính các bạn SV, đặc biệt là trong khâu chọn ngành, nghề. Nhiều em làm theo ý phụ huynh hoặc xu hướng thích chọn nghề “hot”, trong khi cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ về các công việc với nhiều bạn hầu như không có gì. 

Điều này dẫn tới hậu quả là sau khi vào học, thấy không hứng thú nên mất động lực, lười áp dụng vào cuộc sống. Ông Nguyễn Quốc Cường còn cho biết thêm: "Hiện đang có vấn đề phổ biến là SV chê việc. Không ít bạn quan niệm phải làm việc ở các doanh nghiệp lớn, thuê văn phòng hoành tráng, quần áo đồng phục đẹp đẽ, mới xứng đáng với tấm bằng cử nhân. Thực tế, nhiều cử nhân được nhà tuyển dụng tiếp nhận nhiệt tình, trả lương cao tới cả 10-15 triệu đồng/tháng nhưng đã từ chối chỉ vì nhìn công ty "không thấy hoành tráng”. 

Nhưng mỗi SV ra trường cũng cần nhìn lại mình, tự đánh giá bản thân, đó là hãy tự hỏi: mình là ai, mình đã có kinh nghiệm gì trong công việc định ứng cử, mình có sở trường, năng lực đến đâu…”.

Có dịp gặp gỡ với bạn P.T.Hằng, 1 SV Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội vừa ra trường thực hiện cuộc "Nam tiến" cho chúng tôi biết: Theo em, hạn chế lớn nhất với SV Việt Nam là khả năng ngoại ngữ, nhất là trong thời kì hội nhập thì đó thực sự là rào cản lớn. Thứ nữa là kĩ năng của cuộc sống khi giao tiếp, thiếu tự tin khi đi phỏng vấn xin việc. Thiếu khả năng tự khắc phục hoàn cảnh. Rơi vào tình trạng này thì rất khó đạt mục đích của cuộc sống, không chỉ trong xin việc".

Bạn SV này cũng chia sẻ, trước yêu cầu cao của thời kì hội nhập, nhiều bạn và bản thân em năm thứ 3 đã phải tự lên mạng để liên hệ xin việc. Trước tiên là làm thêm tại một Tổ chức phi Chính phủ, rồi làm việc tại công ty điện lực TP, cuối năm thứ 4 làm việc tại Công ty Đa quốc gia Hà Nội, để có kinh nghiệm, nên khi ra trường, bạn thử sức mình và vừa phỏng vấn thành công tại Công ty QSR Việt Nam, là một công ty có qui mô ngang tầm quốc tế, chuyên tư vấn, cung ứng những thương hiệu ẩm thực danh tiếng của thế giới về với người tiêu dùng Việt Nam, tới các hệ thống chuỗi Nhà hàng lớn đang hoạt động trên toàn quốc như Dairy Queen, Chill, The Pizza Company và Swensens…". 

Bạn Hằng cũng vui mừng nói: "Vào đây được là rất khó nhưng sau 1 tuần bay vào phỏng vấn, em vô cùng mừng rỡ, chính thức được mời vào làm việc với mức lương khởi điểm 7 -10 triệu đồng".

Huyền Nga
.
.
.