Công ty Nhật lắp thiết bị quan trắc tại vùng nứt đất ở Đà Lạt

Thứ Sáu, 28/04/2017, 14:39

Ngày 28-4, Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) đã phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiến hành lắp thiết bị quan trắc tự động tại khu vực đang xảy ra nứt, trượt đất giữa trung tâm TP Đà Lạt.

Thiết bị quan trắc này được lắt đặt tại căn nhà số 27C, đường Nguyễn Văn Trỗi, đây là một trong những căn nhà đang bị ảnh hưởng mạnh do trượt, nứt mặt đất trong khu vực. 

Thiết bị quan trắc tự động được kết nối với một dây giãn đặc biệt, đặt trong ống nhựa dài khoảng 10m, độ rộng khoảng 9cm. Trong trường hợp căn nhà tiếp tục dịch chuyển ra khỏi vị trí ban đầu loại dây đặc biệt sẽ giãn ra, qua đó thiết bị sẽ đo được sự di chuyển đó. Các chuyên gia sẽ liên tục thu dữ liệu hàng ngày, từ đó có cảnh báo kịp thời nếu có sự cố xấu.

Một người dân bị ảnh hưởng do nứt, trượt đất lo lắng trước những vết nứt trên tường nhà xuất hiện ngày càng lớn

Tiến sĩ Kanno Takaki, đại diện Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki cho biết, khu vực thuộc số nhà 27C, đường Nguyễn Văn Trỗi, xuất hiện rất nhiều khe nứt. Các vết nứt của ngôi nhà đang có xu hướng kéo nghiêng từ đường Nguyễn Văn Trỗi về đường Phan Đình Phùng. Đây là vị trí thích hợp nhất để đặt thiết bị quan trắc tự động.

Theo Tiến sĩ Kanno Takaki, tại Nhật Bản, thiết bị này được kết nối đồng bộ với điện thoại di động, giúp cơ quan chức năng cảnh báo kịp thời cho người dân khi có hiện tượng lún, nứt phức tạp.

Cơ quan chức năng đang tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc tự động

Trước đó, như báo CAND đã thông tin, ngày 25-4, sau khi ngủ dậy, nhiều gia đình tại đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Đà Lạt, phát hiện nhiều vết rạn nứt trên tường nhà và mặt đất. Kết cấu của một số căn nhà bị thay đổ dẫn đến việc không thể đóng, mở các cánh cửa được. Những ngày tiếp theo, diễn biến về nứt, trượt đất ngày càng xấu đi. UBND TP Đà Lạt đã di dời khẩn cấp 3 gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm, 45 hộ khác được lệnh cũng phải di dời để tranh gây nguy hiểm.

Tồi ngày 27-4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố nguyên nhân bước đầu của sự cố này. Theo các chuyện gia, nền đất yếu, xuất hiện dòng chảy tự nhiên kết hợp với mưa nhiều đã khiến thân đất tích nước, nhão ra trong khi các công trình nhà cửa trên mặt đất khá nặng đã khiến nhiều vị trí tại vùng nứt, trượt đất xì bùn lên mặt đất, đe dọa nới các công trình xây dựng. 

Kim Ngân
.
.
.