Công tác PCCC: Coi trọng phòng ngừa và “4 tại chỗ”
Nhìn từ một vụ cháy được ngăn chặn hiệu quả
Vào khoảng 15h ngày 22-4-2017, tại phố Ngô Thì Sỹ (đoạn qua tổ dân phố 9, Vạn Phúc, Hà Đông) đã xảy ra vụ cháy điện. Lửa bén từ cột điện rồi lan rộng sang hệ thống dây cáp các loại, cháy vào một số hộ dân trên địa bàn. Nhờ kịp thời phản ứng, người dân đã nhanh chóng báo tin cho Cảnh sát PCCC, ngành điện, đồng thời chủ động phối hợp triển khai dập lửa tại chỗ, làm giảm cháy lan…
Nhờ được xử lí tốt theo phương châm 4 tại chỗ nên vụ cháy tại phố Ngô Thì Sỹ (Hà Đông – Hà Nội, tháng 4-2017) được ngăn chặn kịp thời. |
Nhờ vậy, hạn chế được tốc độ cháy nên khi Cảnh sát PCCC có mặt đã nhanh chóng khống chế hoàn toàn đám cháy. Theo nhận định của lực lượng Cảnh sát PCCC, trong vụ này, nếu không phát hiện sớm và xử lí kịp thời, hậu quả vụ cháy sẽ rất thảm khốc bởi hầu hết các hộ dân ở đây đều là nhà dạng ống, có chuồng cọp, chỉ có duy nhất 1 lối thoát hiểm là cửa chính của căn nhà.
Do vậy, ngoài công tác phòng ngừa thì phương châm 4 tại chỗ có vai trò rất quan trọng. Đó là: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ.
Thế nhưng, công tác phòng ngừa ở nhiều địa bàn dân cư, cơ quan, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế trong việc trang bị kiến thức, rèn luyện các kỹ năng về PCCC. Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp được dự buổi tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng về PCCC của một cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội do các giảng viên Trường Đại học PCCC truyền đạt.
Khi được hỏi: “Khi thấy phòng làm việc có lửa bùng lên, khói đen bủa vây, việc đầu tiên bạn phải làm gì?”, một học viên trong lớp tập huấn nhanh nhảu đáp: “Mình phải nằm xuống sàn rồi bò ra cửa thoát hiểm?”.
Nghe đến đây, đồng chí giảng viên đáp: “Cách thoát nạn đó là sai, nó sẽ khiến bạn gặp nạn. Bạn nên cúi khom người và di chuyển nhanh ra cửa thoát hiểm”. Nhắc lại câu chuyện trên để thấy rằng, hiện có không ít người chủ quan, cứ nghĩ rằng mình đã biết cách thoát nạn khi gặp hỏa hoạn. Cũng tại trụ sở cơ quan này, trước đó không lâu đã xảy ra sự cố chập điện gây cháy ở một phòng làm việc. Thay vì bình tĩnh xử lí sự cố theo “bài” 4 tại chỗ: ngắt điện, sử dụng bình bọt dập lửa, thì đã diễn ra cảnh tượng các nhân viên nháo nhác, lộn xộn.
Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 2, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khẳng định, trong tổng số các vụ cháy xảy ra thời gian qua, có đến hơn 70% vụ cháy bắt nguồn từ lỗi chủ quan của con người.
Nhiều người chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của bản thân trong việc chủ động phòng chống “giặc lửa” và cho rằng, công tác PCCC là của Nhà nước… Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sắm các vật dụng đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhưng lại không chú trọng đến việc trang bị hệ thống PCCC, cụ thể là chiếc bình cứu hỏa với giá chỉ vài trăm ngàn đồng.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Tại nhiều đô thị lớn và đông dân, người ta dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà ống được gia chủ tự “đóng cũi” bằng sắt nhằm chống trộm. Song, chính những chiếc “chuồng cọp” này cũng “nhốt” luôn người trong nhà khi có hỏa hoạn, do không có lối thoát hiểm, lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường gặp khó khăn, hậu quả đau lòng xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Như vụ cháy xảy ra vào khoảng 2h30 sáng 13-7 tại ngôi nhà 4 tầng, ngõ 205 đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) là một điển hình. Do ngôi nhà chỉ có một lối thoát hiểm – cửa ra vào, nên ngọn lửa bốc lên từ tầng 1, 4 người trong gia đình (gồm 2 vợ chồng và 2 người con) ở tầng 3 đã bị tử vong do ngạt khí độc.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị giao ban trực tuyến lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III – 2017 diễn ra vào cuối tháng 9-2017, cơ quan chức năng đưa ra con số “Có hơn 500.000 nhà ống trên địa bàn thành phố không có lối thoát hiểm” đã khiến nhiều người phải giật mình, lo ngại.
Thực trạng trên một lần nữa cho thấy, hiện công tác PCCC tại chỗ của người dân đang còn bỏ ngỏ. Nhiều người cho rằng, những vật dụng như: chiếc điện thoại di động, xe đạp điện, máy điều hòa, nồi cơm điện, bếp gas… không thể là nguồn gây ra cháy lớn. Nhưng trong thực tế, đa phần các vụ cháy xảy ra thời gian qua bắt nguồn từ sự cố về điện, tác nhân gây ra chập điện chủ yếu là do ý thức sử dụng nguồn điện, thiết bị điện của con người.
Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ đã chỉ ra nguyên nhân của các vụ cháy xảy ra trong năm 2016. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều tra làm rõ nguyên nhân 2.486 vụ cháy (chiếm 82,7%). Trong đó, do sự cố hệ thống và thiết bị điện chiếm tới 46,7% (với 1.404 vụ), do sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất chiếm 28,7% (với 863 vụ). Cùng với đó, thống kê của đơn vị này cũng cho thấy, trong năm 2016, toàn quốc đã xảy ra 30 vụ cháy các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, nhiều nhất là Hà Nội xảy ra tới 11 vụ.
Đề cập đến những nguyên nhân tồn tại, gây ra cháy, nổ trong thời gian qua, đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hộ cho biết thêm: Nhận thức về trách nhiệm đối với công tác PCCC và CNCH của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở còn hạn chế. Lực lượng PCCC còn bất cập về tổ chức và phương tiện chữa cháy…
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC và CNCH còn hạn chế; chưa có chế độ, chính sách phù hợp nhằm động viên, khuyến khích quần chúng nhân dân, cán bộ, công nhân viên tự nguyện tham gia các hoạt động PCCC.
Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy nhấn mạnh: “Công tác PCCC và CNCH phải lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH; coi công tác PCCC là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc. Tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH sâu rộng; gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, với phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chuyên ngành…”. |