Tìm ra đội chiến thắng cuộc thi "Khởi nghiệp vì Môi trường"
Các đội trình bày về các phương án kinh doanh. |
Mới đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã công bố những đội giành chiến thắng trong cuộc thi "Khởi nghiệp vì Môi trường", một cuộc thi nhằm mang lại những giải pháp thiết thực để xử lý rác thải nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, và giải quyết nạn ô nhiễm do rác thải nhựa, than và hóa học tại Việt Nam.
Các dự án của sáu đội xuất sắc nhất được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng và tính khả thi bao gồm: Dự án sản xuất hộp đựng thực phẩm làm từ chất liệu là bã mía và bã xả; Sản xuất than hoạt tính từ cây guột dùng cho mỹ phẩm và khẩu trang; Sản xuất than sạch từ rác thải nông nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm carbon;
Ý tưởng tự động đo lượng nước sử dụng và gửi thông tin tới hệ thống xử lý dữ liệu nhằm mục đích quản lý, phân tích, điều chỉnh, tính giá và xuất hóa đơn; Sản xuất máy phát điện bằng khí sinh học để sử dụng tại các nông trại; Sản xuất xe máy điện thông minh với các cảm biến để tránh tai nạn vàcác tính năng thông minh khác.
Các đội giành chiến thắng của cuộc thi "Khởi nghiệp vì Môi trường". |
Các đội giành chiến thắng đã nhận được giải thưởng với tổng trị giá 15.000 USD, góp phần tạo bước đệm để hiện thực hóa các ý tưởng và sản phẩm của mình. Trước đó, Trung tâm Mỹ tại Hà Nội đã hỗ trợ những nhóm khởi nghiệp này thông qua các hoạt động lập nhóm giữa những nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, các khóa đào tạo chuyên sâu, hội thảo và các hoạt động tư vấn.
Bà Fengua Wang, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Trung tâm Mỹ tại Việt Nam, Lào và Camphuchia chia sẻ: “Thông qua cuộc thi này, Đại sứ quán Mỹ muốn thể hiện cam kết về trợ giúp phát triển các giải pháp khả thi, bền vững và có khả năng nhân rộng để giải quyết những thách thức môi trường lớn của Việt Nam”.
Cuộc thi “Khởi nghiệp vì Môi trường” được tổ chức bởi Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, kết hợp với Hatch! và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Thụy Sỹ (Swiss EP), nhằm mang lại những giải pháp thiết thực để xử lý rác thải nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, và giải quyết nạn ô nhiễm do rác thải nhựa, than và hóa học.
Bằng cách kết nối những nhà khoa học với những người khởi nghiệp, dự án thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học, cộng đồng khởi nghiệp và khối tư nhân nhằm tạo ra các giải pháp bền vững và lâu dài.