“Cò” đặc sản Đà Lạt quấy nhiễu du khách

Thứ Ba, 19/06/2018, 09:06
Du khách tới Đà Lạt đang bị “cò” đặc sản dày đặc quấy nhiễu, thậm chí bị lừa đảo, gây nên tâm lý bức xúc cho nhiều người. Đội ngũ “cò” chuyên nghiệp này tồn tại từ nhiều năm qua, đang hằng ngày bôi xấu hình ảnh của ngành Du lịch Lâm Đồng, gây nên sự bất an cho du khách.


“Cò” lộng hành khắp điểm du lịch

Những ngày giữa tháng 6-2018, trong vai khách du lịch, chúng tôi chọn trước Thung Lũng Tình Yêu và Vườn hoa Đà Lạt để tiếp cận, lật tẩy chiêu trò của các đối tượng chuyên hành nghề “cò” đặc sản tại Đà Lạt. 

Vừa qua ngã năm Trường Đại học Đà Lạt được vài trăm mét, chúng tôi đã bị hai thanh niên bám theo buông lời giới thiệu bằng ngôn từ hết sức mỹ miều. Như “Hỗ trợ tham quan vườn dâu đẹp nhất Đà Lạt”, “hái dâu, thưởng thức miễn phí tại vườn…”. Chúng tôi lắc đầu từ chối và tiếp tục di chuyển về hướng Thung Lũng Tình Yêu. 

Tới đỉnh Dốc Đá, một nhóm thanh niên 7 người, tuổi khoảng 17-35 đang ngồi, nằm la liệt trên các xe gắn máy dựng ở ven đường lập tức vùng dậy bám xe ôtô du lịch. Nhóm này bám theo chúng tôi khoảng 1km, tới trước KDL Thung Lũng Tình Yêu mới chịu dừng lại. 

“Cò” đặc sản Đà Lạt đang mồi chài tài xế đưa khách đi tham quan vườn dâu tây.

Tài xế xe du lịch trên tên Trung, đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, một thanh niên đã tiếp cận anh, đưa địa chỉ chuyên cung cấp các loại “đặc sản Đà Lạt”, đề nghị anh đưa khách tới tham quan, mua sắm và sẽ được chia phần trăm số tiền mà chủ quầy “đặc sản” này bán được. 

“Chuyến trước tôi cũng đưa khách lên đây, vì phép lịch sự nên tôi nhận lời qua loa và không nghĩ sự việc lại phức tạp như vậy. Lần đó, tôi không đưa khách tới như đã nhận lời, chiều tối khi chở khách về cơ sở lưu trú lập tức có hai thanh niên tìm tới dọa đánh, đòi “cấm đường”, vì tôi không giữ lời hứa đưa khách tới địa chỉ của họ để mua đặc sản...”, tài xế Trung cho biết. 

Lần này, anh Trung không dám nhận lời những thanh niên này mà từ chối khéo bằng cách nói, khách đã mua đặc sản ở chợ đêm từ tối hôm mới lên Đà Lạt.

Sau khi nhận lời đi theo một thanh niên khoảng 20 tuổi vào thăm vườn dâu tây hái tại vườn, chúng tôi được đưa vào một quầy “Đặc sản Đà Lạt” trên đường Phù Đổng Thiên Vương, cách KDL Thung Lũng Tình Yêu chừng 500m. Bị đưa tới nơi “không cần đến”, chúng tôi không vào, thanh niên này trấn an: “Anh chị cứ vào đi. Vào quầy đặc sản nhà em tham quan, xong rồi em đưa ra vườn hái dâu tây, gần đây thôi!...”. 

Quầy “đặc sản” có bốn nữ nhân viên đứng bán hàng. Các mặt hàng ở đây đều gắn mác “Đặc sản Đà Lạt” nhưng có tới 90% mặt hàng mà hầu như không bao giờ sản xuất được ở Đà Lạt, như kiwi, nho, mận, các loại mứt làm từ trái cây, nước cốt dâu tằm… được đóng vào các bao, hộp, màu sắc trông rất đẹp mắt.

Sau khi mua hai gói mứt dâu nhỏ với giá 70.000 đồng, cao gấp 3 lần chợ đêm Đà Lạt, chúng tôi được thanh niên này đưa tới một vườn dâu trồng ngoài trời rộng khoảng 1.000m2 trên đường Thánh Mẫu. Người này đứng trên đường chỉ xuống vườn dâu nói “anh chị tự xuống tham quan” rồi quay xe chạy ra hướng đường Mai Anh Đào. 

Đây là vườn dâu có chủ và dĩ nhiên không liên quan gì tới quầy đặc sản kia. Chúng tôi xuống vườn hái dâu tây và phải mua với giá 160.000 đồng/kg mà chẳng phải tham quan, thưởng thức dâu miễn phí như thanh niên kia giới thiệu là “vườn nhà”.

Tại trước vườn hoa Đà Lạt, nơi luôn thường trực hơn 10 “cò” đặc sản sẵn sàng đeo bám bất cứ xe du lịch nào để mồi chài, lôi kéo, thậm chí đe dọa, hành hung du khách nếu ai làm họ phật lòng. 

Tài xế xe khách tên Tuấn đến từ Bình Dương bức xúc kể: “Lần trước, chỉ vì phớt lờ lời mời ghé mua đặc sản của 2 đối tượng “cò” mà đoàn của tôi bị một nhóm người làm khó và hăm dọa bị đập xe”. 

Lần này để tránh bị quấy nhiễu, làm phiền, anh Tuấn buộc phải đưa khách tới một quầy đặc sản trên đường Nguyên Tử Lực do “cò” dẫn tới.

Vì sao “cò” vẫn tồn tại?

Theo tìm hiểu của PV, phần lớn các loại “đặc sản Đà Lạt” đang được bày bán phổ biến ở thành phố du lịch này thực chất là hàng được nhập từ Trung Quốc với giá rất rẻ. Sau khi nhập về với khối lượng lớn, chủ quầy “đặc sản” sẽ phân nhỏ, đóng vào các bao bì và không quên ghi thêm dòng chữ “đặc sản Đà Lạt”. 

Mua hàng tạ, hàng tấn với giá rẻ và phân bán theo từng gram (lạng) có giá cao ngất ngưỡng, chủ nhiều quầy “đặc sản Đà Lạt” kiểu này sẵn sàng chi “hoa hồng” cho đội quân đi “cò” lên tới 45% tổng số tiền bán được cho khách.

Một người làm “cò” lành nghề và không từ mọi thủ đoạn để dụ dỗ, cưỡng ép khách mua “đặc sản” vào thời điểm này mỗi ngày kiếm được vài triệu đồng không phải là khó. 

Chủ quầy “đặc sản” sẵn sàng chi phần trăm cao, vào mùa du lịch, các đối tượng nhiều nơi đổ lên Đà Lạt hành nghề dày đặc trước các khu du lịch. 

Thậm chí, theo Công an TP Đà Lạt, “cò” còn liên kết với nhau, báo tin và tranh dành xe chở khách lên Đà Lạt khi các xe này còn đang di chuyển ở tỉnh khác.

Thượng tá Phan Tất Chí, Phó trưởng Công an TP Đà Lạt cho biết, gần đây Công an thành phố đã xử lý hành chính hơn 60 đối tượng có hành vi chèo kéo, tranh giành và ép buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ; 58 cơ sở kinh doanh các mặt hàng ăn uống, đặc sản, tham quan vườn dâu cũng đã bị xử lý về hành vi gian lận thương mại, bán hàng không rõ nguồn gốc và sử dụng “cò”, với số tiền trên 220 triệu đồng.

Khắc Lịch
.
.
.