Cơ bản chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt cá trên biển

Thứ Tư, 21/03/2018, 10:52
Từ ngày 20-3, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đã bắt đầu chuyến công tác sang EU để làm việc và tháo gỡ các vấn đề liên quan tới việc EU rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam do vi phạm các nguyên tắc IUU (đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp).


Song song với hoạt động này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã cùng tổ công tác liên Bộ của Chính phủ tiến hành đi kiểm tra, làm việc với 10 tỉnh trọng điểm có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước. 

Phái đoàn của Bộ NN&PTNT thời gian qua đã làm việc với gần hết các quốc đảo trong khu vực có liên quan đến tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp để chia sẻ và tăng cường mối hợp tác trong quản lý nghề cá, qua đó đã được các quốc đảo trong khu vực đánh giá cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký tờ trình với Chính phủ cho phép nâng cấp 29 trạm bờ để giám sát hoạt động tàu cá tại 28 tỉnh, thành.

Hiện nay, chỉ còn 2 quốc đảo có liên quan đến vấn đề tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm trong đánh bắt chưa được làm việc. Trong tháng 3, Bộ NN&PTNT sẽ có các đoàn công tác tới 2 quốc đảo này để làm việc, giải quyết 100% các vấn đề xử lí tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp với tất cả các quốc gia và quốc đảo liên quan. 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, về cơ bản, đến thời điểm này đã không còn ngư dân vi phạm trong đánh bắt tại các quốc đảo lân cận. Đối với khu vực Biển Đông và khu vực vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam - Thái Lan và Indonesia, hiện các bên vẫn đang tích cực đàm phán trao đổi để phân định và giải quyết triệt để. 

Tuy nhiên, về tình hình chung, từ tháng 2-2018 đến nay, những địa phương trọng điểm về đánh bắt ở các vùng chồng lấn (như tỉnh Quảng Ngãi) đã không còn tàu cá bị nước ngoài bắt giữ xử lí. 

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, tình hình vi phạm của ngư dân đến nay đã được cải thiện nhanh chóng, trong đó quan trọng nhất là ngư dân đã tự nhận thức được việc vi phạm và không tái diễn. 

“Hơn 4 tháng qua (kể từ sau khi bị EU rút “thẻ vàng”), duy nhất chỉ có 1 tàu vi phạm tại một quốc đảo, cùng 11 tàu vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Indonesia”, ông Oai cho biết. Tuy nhiên, trong 11 vụ vi phạm này, có 8 vụ là bị các lực lượng chấp pháp của các nước bắt ngay trên vùng biển chồng lấn giữa 3 nước Việt Nam - Thái Lan – Campuchia và Việt Nam – Indonesia. 

Cũng đầu tháng 3, Bộ NN&PTNT đã ký tờ trình với Chính phủ cho phép nâng cấp 29 trạm bờ để giám sát hoạt động tàu cá tại 28 tỉnh, đồng thời đề xuất xây dựng thêm mới 21 trạm bờ khác để đảm bảo giám sát hoạt động đối với trên 21 nghìn tàu cá của cả nước có chiều dài trên 15m có thể tự động báo thông tin về Tổng cục Thủy sản. Khi đi vào hoạt động, Tổng cục Thủy sản có thể giám sát được toàn bộ tàu cá hoạt động xa bờ, kịp thời ngăn chặn các hành vi đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Diệp Linh
.
.
.