Chuyện những giáo viên 9X rời đồng bằng lên biên giới

Thứ Hai, 23/11/2015, 11:30
Họ là những thầy cô còn rất trẻ, thuộc thế hệ 9X, từ miền xuôi lên vùng biên giới để “gieo chữ”. Nhờ sự âm thầm góp sức của những người trẻ tuổi này mà mảnh đất ở miền biên viễn xa xôi Chơm (Tây Giang, Quảng Nam) không còn “điểm trắng giáo dục”, nhiều em học sinh đã học hành tử tế…

Chúng tôi ghé lại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Chơm, nằm sát biên giới Việt – Lào, khi cô giáo Trần Thị Thảo đang giảng bài trong lớp học. Thảo là giáo viên mới lên nhận công tác từ đầu năm học 2015-2016. Cô giáo sinh năm 1994 này chia sẻ sau khi tốt nghiệp ra trường, gia đình dự định sẽ tìm cho Thảo một suất dạy ở đồng bằng. Nhưng, nghe một người bạn kể về những khó khăn, vất vả của các em học sinh tại xã biên giới Chơm, không một chút do dự, Thảo nộp hồ sơ và được cử lên dạy tại trường. 

Sau những ngày đầu đầy bỡ ngỡ, đến nay Thảo đã quen với cuộc sống núi rừng, quen với những tình cảm thân thương đầy dung dị của đồng nghiệp, của các em học sinh nơi đây. 

Một tiết học ở ngôi trường trên đất Chơm, biên giới Việt - Lào.

Trước Thảo, cô giáo Trần Thị Ái (23 tuổi, quê ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng đã lên dạy ở ngôi trường biên giới được 4 năm nay. Cô Ái kể rằng, khi gia đình nghe Ái có kế hoạch lên dạy ở miền biên giới xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, ba mẹ của Ái ai cũng khuyên con tìm việc ở thành phố. Song trước sự quyết tâm của Ái, gia đình cũng bị thuyết phục. 

Và đến nay, khi đã vào biên chế của ngành Giáo dục, một số lãnh đạo huyện Tây Giang đồng ý để Ái về giảng dạy tại trung tâm huyện, song cô giáo trẻ này từ chối với lý do: “Em đã quen với cuộc sống trên này rồi, giờ xuống dưới trung tâm huyện sẽ rất nhớ các đồng nghiệp, các em học sinh nơi đây. Trên này dù cuộc sống còn nhiều vất vả, thiếu thốn, song tập thể giáo viên nhà trường đều biết thương yêu, chia sẻ những khó khăn với nhau; các em học sinh thì chất phác, rất quý mến các thầy cô. Đã 4 năm rồi, cứ mỗi lần đến Ngày Hiến chương nhà giáo 20-11, các em học sinh đều đi hái hoa rừng về tặng em. Và đó là tình cảm thiêng liêng nhất, khiến em gắn bó với mảnh đất này”…

Thầy giáo Phạm Công Đức, Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Chơm, cho biết, nhà trường có 5 giáo viên cấp I và 11 giáo viên cấp II là người miền xuôi lên đây “gieo chữ”. Đa phần trong số họ đều còn rất trẻ. Sự nhiệt tình, hăng say vì sự nghiệp “trồng người” của lớp thầy, cô giáo trẻ này đã vực dậy phong trào học tập của con em trên miền đất biên cương ngày càng phát triển. 

Năm học này, nhà trường có 14 lớp học bậc Tiểu học với 172 học sinh; 8 lớp học bậc THCS với 175 học sinh đều là đồng bào Cơ Tu. Trong đó, ngoài học sinh của xã Chơm còn có hơn 80 học sinh bậc THCS của xã Gari bên cạnh cũng đến học vì tại xã Gari không có trường cấp II. 

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch UBND xã Chơm, cũng ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo trẻ miền xuôi trong việc giảng dạy tại địa phương này. Nhờ có sự dạy tốt của những giáo viên trẻ như cô Ái, cô Thảo… đã góp phần rất lớn vào việc thay đổi nhận thức của các em học sinh trên miền biên ải xa xôi.

Ngọc Thi
.
.
.