Chuyện mưu sinh trên đất ngàn hoa

Chủ Nhật, 20/10/2019, 09:01
Trời chuyển mùa lạnh, mưa ít dần và nắng vàng từng giọt, trên các làng hoa truyền thống của Đà Lạt (Lâm Đồng), người người, nhà nhà hối hả ra vườn xuống giống mùa hoa Tết. Đây cũng là thời điểm những người làm thuê từ khắp nơi, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ đổ vào Đà Lạt kiếm việc làm nâng cao thu nhập và cũng để chuẩn bị cho một cái Tết no đủ hơn...


Còn lâu nữa mặt trời mới vươn qua dãy núi Hòn Bồ đem ánh bình minh đẹp của một ngày mới cho làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng nhóm người làm thuê từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... tá túc chung ở một dãy nhà trọ cũ đã lục đục thức giấc. Họ bắt đầu công việc mỗi ngày từ khi màn sương đêm còn phủ đặc dưới các thung lũng của làng hoa mùa chuyển lạnh.

Sau bữa ăn sáng qua loa là những tô mì gói bình dân, vợ chồng anh Phạm Văn Tuấn (quê Thanh Hóa) cùng ba người khác vội vã khoác vào người bộ quần áo lao động nhuộm màu cáu bẩn để ra vườn. Công việc hằng ngày của nhóm người làm thuê này là ươm các giống hoa Tết, như lyli, salem, nhất là cúc để phân phối cho các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Phần lớn những người làm thuê ở làng hoa Thái Phiên mùa này đều nhận khoán sản phẩm. “Chịu khó bỏ công sức ra làm vất vả nhưng thu nhập cao hơn làm theo giờ. Nếu chịu khó làm việc, mỗi ngày một người khỏe mạnh vẫn có thể kiếm được bốn trăm ngàn đồng là chuyện không quá khó!..”, anh Tuấn cho biết.

Cuối năm, người lao động từ khắp nơi tới Đà Lạt làm hoa Tết.

Thế nên, giờ giấc làm việc của những người tha phương dạt vào Đà Lạt làm thuê mùa hoa Tết thường không cố định. Người khỏe, mỗi ngày có khi làm việc tới 13, 14 giờ đồng hồ. Họ thường ra khỏi nhà trọ đi làm từ lúc trời còn đẫm hơi sương và trở về phòng nghỉ ngơi, ăn tối khi gia chủ đã vùi vào giấc ngủ say nồng.

Con vừa dứt sữa mẹ, chị Bùi Thị Hương (SN 1996, quê huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) và chồng liền theo người làng vào Đà Lạt làm thuê. “Nghe người làng gọi điện về nói vào đây làm thuê mùa hoa Tết thu nhập cao hơn hẳn những nơi khác, con cai sữa là vợ chồng em gửi cháu nhờ ông bà trông coi để vào trong này ngay. Phải làm việc trong nhà kính vào những ngày trời nắng không khí rất ngột ngạt, khó thở nhưng nay thì em cũng quen rồi. Công việc thấy bình thường, không quá vất vả!...”, chị Hương nói.

Chị còn khoe, tuần tới vợ chồng chị sẽ nghỉ một buổi để chở nhau lên phố mua ít đồ và gửi 2 triệu đồng về cho ông bà nội ở quê nhà có thêm tiền chăm nuôi con gái hơn 1 tuổi. 

Có những người vào Đà Lạt làm thuê, trải qua những tháng năm chật vật, cơ cực, nay đã gây dựng được cơ nghiệp. Không chỉ có nhà cửa khang trang mà còn tậu được vườn tược rộng rãi, thuê người làm và trở thành ông chủ thực sự.

Anh Nguyễn Quốc Trung vốn là người Nghệ An, năm 2001 anh Trung theo người làng phiêu bạt vào Đà Lạt. Sau mấy tuần vật vờ vì không kiếm được việc làm, Trung liều mình theo nhóm người lên núi đào đãi thiếc lậu. Làm được một thời gian, thấy công việc nguy hiểm, thường xuyên sống chui lủi, trốn chạy các đợt truy quét của lực lượng chức năng trong rừng, anh Trung bỏ bãi thiếc, ra Thái Phiên làm thuê.

“Hết giờ làm, tôi và những người cùng quê lại đi mót hoa, rau đem bán để có thêm thu nhập. Kiếm được tiền lại càng đam mê công việc. Làm ngày, làm đêm, bất kể giờ giấc, công việc gì, cứ có người thuê là làm!...”, anh Trung kể lại. Khi đã có được một khoản tiền nhất định, anh Trung bàn bạc với cả nhóm tìm cách kết nối với các vựa hoa ở TP Hồ Chí Minh, gửi hoa xuống bán. Vậy là cả nhóm 5 người, từ thân phận một người làm thuê cơ cực nhờ biết nắm bắt cơ hội đã chuyển sang làm kinh doanh, chuyên mua hoa ở Đà Lạt đóng thùng gửi đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Nay anh Nguyễn Quốc Trung đã là giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên thu mua các loại hoa ở Đà Lạt đưa đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung tiêu thụ, giải quyết việc làm quanh năm cho hơn 10 lao động.

Thế nhưng, không phải ai tới Đà Lạt làm thuê mùa hoa Tết cũng tích cóp được tiền của đem về quê, đó là những “thành phần” lười biếng, quậy phá. Anh Phạm Văn Tuấn cho biết, cách đây chưa lâu, do thiếu nhân công lao động nên chủ một trang trại hoa cúc đã nhờ anh Tuấn liên hệ về quê tìm người vào làm. Anh Tuấn tìm được một thanh niên 23 tuổi, chủ trang trại hoa bỏ tiền xe, ăn uống dọc đường để đưa thanh niên này vào làm việc.

“Làm được ba ngày thì nó kêu mệt, xin nghỉ một ngày, ứng tiền với lý do đi... khám bệnh nhưng thật ra la cà ở quán cà phê và đánh bài!... Chủ vườn nhắc nhở thì đùng đùng bỏ đi, vậy là chủ mất gần 1 triệu tiền xe và thêm mấy trăm ngàn xin ứng!...”, anh Tuấn cho biết.

Theo anh Tuấn, nhiều người tới Đà Lạt làm thuê chịu khó làm ăn, tích cóp nay đều đã có “của ăn của để” nhưng cũng không ít người không chịu làm việc, thậm chí còn thường xuyên tụ tập ăn nhậu, gây ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương. “Có trường hợp còn đi trộm cắp tài sản của gia chủ và bị bắt giữ”, anh Tuấn cho biết.

Một mùa hoa Tết nữa đã về, các làng hoa ở Đà Lạt lại nhộn nhịp tiếng cười nói của người làm thuê đến từ khắp nơi trong cả nước. Trên những gương mặt mọi người lấm tấm mồ hôi, ai cũng cực nhọc, vất vả nhưng đều cố gắng làm việc đem theo niềm tin một mùa làm thuê có thu nhập cao. Trước lúc tôi ra về, vợ chồng anh Tuấn rỉ tai: Càng những ngày sát Tết, giá thuê nhân công lao động càng cao. Khoảng 2 tuần cuối năm, một người lao động khỏe mạnh, làm từ sáng tới khuya có thể kiếm được hơn 1,2 triệu đồng mỗi ngày.

Khắc Lịch
.
.
.