Chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật”: Hiệu quả từ truyền thông

Thứ Ba, 11/10/2016, 08:20
Phân bón giả đang trở thành vấn nạn đối với bà con nông dân bởi nó để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Làm sao để loại trừ phân bón giả? Làm sao để bà con nông dân phân biệt được phân bón giả? …

Đó là những là lý do để Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả), Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” triển khai trong 6 tháng vừa qua. Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) là đơn vị đồng hành độc quyền.

Hội thảo “Phân bón giả - Tác hại thật” tổ chức tại Trung tâm Hội nghị huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An là hoạt động cuối trong chuỗi chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật”.

Tại hội thảo, hơn 200 bà con nông dân đến từ các xã Long Thành, Nhân Thành, Hợp Thành, Hoa Thành, Bắc Thành, Văn Thành… thuộc huyện Yên Thành, đã được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và nghe chia sẻ từ các chuyên gia về tác hại của phân bón giả, cũng như hướng dẫn về cách lựa chọn phân bón chất lượng.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); ông Phạm Văn Linh, Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Bắc Trung Bộ cùng nhiều đại diện của các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An tham dự đã có nhiều chia sẻ xung quanh nạn phân bón giả và cách phân biệt.

Nông dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An sôi nổi tham gia ý kiến trong Hội thảo “Phân bón giả - Tác hại thật”.

Từ hội thảo này, bà con thu nhận được các kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình khỏi nạn phân bón giả đang diễn biến phức tạp trên thị trường. Bên cạnh đó, bà con được cung cấp các thông tin pháp luật, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất và kinh doanh phân bón giả.

Cũng tại hội thảo, ông Hồ Quang Thái, Phó Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, 6 tháng thực hiện (từ tháng 4 đến hết tháng 9-2016) chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” đã có rất nhiều bài viết đăng trên các tờ báo, truyền hình địa phương và toàn quốc về phân bón giả và các tin tức hoạt động của chương trình.

Bên cạnh đó, cuộc thi “Sáng kiến nhà nông” là sân chơi kiến thức, sáng tạo cho bà con nông dân tham gia góp ý kiến, vừa nhằm bảo vệ bản thân nhưng cũng là bảo vệ cộng đồng khỏi những tác hại của phân bón giả. Sau gần 4 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 30 bài dự thi, bao gồm các bài thi hiến kế, sáng kiến, đóng góp của bà con nông dân về các bài trừ nạn phân bón giả.

Đường dây nóng của chương trình nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc của bà con về cách sử dụng phân bón và chăm sóc cây trồng… Ban tổ chức đã chọn 3 bài dự thi xuất sắc nhất để trao giải.

Một trong những điểm nhấn của chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” là các buổi tọa đàm được tổ chức ở nhiều vùng miền khác nhau với nội dung phù hợp thực tế của địa phương. 

Tại TP Hồ Chí Minh chủ đề: “Chống phân bón giả, kém chất lượng sao cho hiệu quả?” nêu lên thực trạng phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường hiện nay, giải pháp khắc phục từ phía cơ quan quản lý, đề xuất của chuyên gia, đóng góp của doanh nghiệp đầu ngành nhằm giảm bớt tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, kèm theo là một số gợi ý, tư vấn cho người sử dụng phân bón.

Tại Hà Nội, cuộc tọa đàm “Những vướng mắc hành lang pháp lý trong quản lý phân bón” bàn về câu chuyện chính sách để dẹp loạn phân bón giả.

Ở Cần Thơ, cuộc tọa đàm với nội dung phản ánh những thiệt hại trong việc sử dụng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng tại đồng bằng sông Cửu Long…

Từ các hoạt động trên, chương trình “Phân bón giả - Tác hại thật” đã được biết đến rộng rãi như một thương hiệu tiên phong trong hoạt động đẩy lùi nạn phân bón giả nói chung, tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận và truyền thông.

Việt Hà
.
.
.