Xử phạt trường hợp chủ nuôi thả rông chó không mang rọ mõm

Chế tài có nhưng chưa thực hiện được

Thứ Sáu, 05/04/2019, 15:37
Liên quan tới sự việc học sinh lớp 1 ở thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên) bị 10 con chó tấn công dẫn tới thương vong, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2019 tổ chức ngày 5-4, đại diện Bộ NN&PTNT đã có ý kiến. Vị này cho biết, Luật Thú y đã quy định, người nuôi chó phải tiêm phòng, phải rọ mõm khi ra đường, nếu không sẽ bị xử lý hành chính; gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự


Nói rõ hơn về trường hợp cháu bé bị cả đàn chó tấn công gây tử vong ở Hưng Yên vừa qua, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y bày tỏ, Luật Thú y đã có quy định, người nuôi chó phải có trách nhiệm tiêm phòng, trường hợp chó ra ngoài phải rọ mõm, nếu không rọ mõm thì chủ nuôi chó sẽ bị xử phạt hành chính, đặc biệt nếu chó gây hậu quả nghiêm trọng thì chủ nuôi chó sẽ bị xử lý hình sự.

Còn về trường hợp cháu bé bị đàn chó tấn công gây tử vong ở Hưng Yên, hiện Công an đang điều tra, xử lý. 

Tuy vậy, ông Thành cũng thừa nhận, mặc dù văn bản quy định về nuôi chó đã có đầy đủ nhưng đến nay, các địa phương chưa xử phạt được một trường hợp nào thả rông chó mà không rọ mõm. Hiện, mới có TP.HCM thành lập đội săn bắt chó thả rông, và tại Hà Nội cũng đang triển khai việc này. 

Theo ông Thành, riêng với việc nuôi chó mèo thì quy định, người nuôi chó phải đăng ký với chính quyền sở tại, vừa quản lý được tình trạng chó thả rông vừa quản lý được bệnh dại. Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng dại trên chó mèo ở Việt Nam còn rất thấp, hàng năm đều có các trường hợp tử vong do chó dại cắn.  

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng dịch tễ, Cục Thú y bổ sung thêm, trường hợp cháu bé 7 tuổi bị chó cắn tử vong ở Hưng Yên trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước trước hết thuộc về UBND xã. Cụ thể, xã chưa triển khai các quy định về nuôi chó, yêu cầu người nuôi chó phải có trách nhiệm với cộng đồng trong việc thực thi các quy định. 

Cũng trong buổi họp giao ban Quý I, Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 23 tỉnh, TP, bao gồm cả Hà Nội. Tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu huỷ khoảng 73.000 con. Đến thời điểm này, đã có 3 ổ dịch tại xã Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên), phường Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội) và xã Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đã qua hơn 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới và đủ điều kiện để công bố hết dịch. 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đối với 3 ổ dịch đã công bố hết dịch thì việc vận chuyển, lưu thông đàn lợn có thể diễn ra bình thường. “Điều đáng mừng hiện nay là giá lợn đang dần ổn định và người dân không quay lưng với thịt lợn…” - ông Tiến cho biết.  

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin thêm, kết quả giải trình gen gây dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, 100% mẫu phân tích cho kết quả giống với chủng vi rút gây bệnh tại Trung Quốc. Do đó, có thể khẳng định bước đầu là dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam bị lây lan từ Trung Quốc.


Đăng Nhật
.
.
.