Cho vay tiêu dùng đa dạng góp phần đẩy lùi tín dụng “đen”
- Đa dạng hóa sản phẩm cho vay tiêu dùng
- Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính cần được khuyến khích
- Thị trường cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh
Ngày 1-10, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) ra mắt thương hiệu cho vay tiêu dùng Easy Credit và công bố chính thức bước vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Theo đó, kể từ tháng 10-2018, Easy Credit giới thiệu ra thị trường gói vay tiền mặt, cam kết về giải pháp tài chính dễ dàng cho người đi vay.
Ông Hoàng Văn Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN Finance cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước luôn nỗ lực thực hiện định hướng tái cấu trúc nhiều ngành nghề, trong đó có lĩnh vực điện lực. Chính vì vậy, qua gần 2 năm chuẩn bị, EVN Finance chính thức công bố thương hiệu Easy Credit, với cam kết mang lại chất lượng sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.
Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) ra mắt thương hiệu cho vay tiêu dùng Easy Credit. |
Có thể nói, sự ra mắt của
Easy Credit (cùng với nhiều công ty tài chính đang hiện có) cho thấy đúng như xu hướng nhận định thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong những năm tới, với dư nợ sẽ tăng từ gần 600.000 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2017), lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019. Đây là lý do khiến các nhà đầu tư mong muốn chia thị phần miếng bánh tài chính tiêu dùng Việt Nam và chắc chắn, những thương vụ thành lập mới, mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong nước đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng từ khá lâu, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh trong những năm gần đây, khi có ngày càng nhiều công ty tài chính tham gia.
Trong khi đó, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sự phát triển mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của người dân và góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi hoạt động cho vay nặng lãi trên thị trường.
Thực tế, dù liên tục tăng trưởng 20%/năm trong suốt gần 10 năm qua, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Phần lớn những người có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được với tài chính tiêu dùng chính thống đã phải tìm đến tín dụng “đen” để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép thành lập (tính đến hết tháng 6-2017) và chỉ một vài tên tuổi khẳng định được vị thế trên thị trường, khiến tính cạnh tranh của thị trường còn rất thấp, người tiêu dùng ít được hưởng lợi.
Hiện nay, các công ty tài chính có thị phần lớn nhất thị trường như FE Credit, HD Saison, Home Credit, ghi nhận nguồn lợi nhuận lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Do đó, việc xây dựng một thị trường cho vay tiêu dùng lành mạnh, đa dạng, bảo đảm việc khách hàng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng tín dụng “đen” phát triển.
Đặc trưng cơ bản của tín dụng “đen” là giao dịch ngầm, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng ngân hàng chính thức. Tín dụng “đen” không có trần hay sàn lãi suất như các tổ chức tín dụng chính quy, mà lãi suất hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa bên cho vay và đi vay với mức lãi suất “cắt cổ”… Chưa kể những điều kiện cho vay lại vô cùng dễ dàng.
TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để từng bước đẩy lùi vấn nạn tín dụng “đen”, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng là một đòi hỏi tất yếu. Không chỉ là một trong những phương tiện tốt nhất giúp cho người dân có thể tích lũy được tài sản, mà các định chế về tài chính tiêu dùng sẽ là một trong các tác nhân tốt để hạn chế cho vay nặng lãi trong nền kinh tế.
Thực tế, sự phát triển của công ty tài chính trong cho vay tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của một bộ phận người tiêu dùng từ trước tới nay không với tới được các gói vay của ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện vay vốn.
Nhưng để thị trường phát triển lành mạnh, cần có hành lang pháp lý rõ ràng đối với tài chính tiêu dùng. Với sự ra đời của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã có một khung pháp lý riêng, không còn bị đối xử như với một ngân hàng thương mại…
Tất cả những điều khoản trong thông tư sẽ góp phần tăng cường việc minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, đơn giản hóa các thủ tục vay, cũng như hướng đến bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.