Gặp mặt thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ xuất sắc tiêu biểu:

Canh cánh nỗi niềm quy tập hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang ở Vị Xuyên

Thứ Hai, 28/01/2019, 10:01
Những chia sẻ rất xúc động của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng tại buổi Gặp mặt các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ xuất sắc tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc– người sống sót trở về từ cuộc chiến, luôn đau đáu với việc tìm kiếm những thi thể đồng đội cũ còn vùi lấp nơi chiến trường khốc liệt đã khiến nhiều người trong buổi gặp mặt nghẹn ngào, rơi lệ.


Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho rằng, cần phải nhìn nhận chiến tranh biên giới phía Bắc có tới hai cuộc chiến, trong đó cuộc chiến thứ nhất bắt đầu từ ngày 17-2-1979, xảy ra ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc; và cuộc chiến thứ hai chủ yếu tập trung ở mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay thuộc tỉnh Hà Giang-PV) từ ngày 28-4-1984 cho đến tháng 10 năm 1984. Lúc này, ông là Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên, còn Trung tướng Đặng Quân Thuỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 là Tư lệnh mặt trận. “Cuộc chiến tranh này có quy mô lớn, chỉ sau cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Đối phương đã huy động hơn 50 vạn quân và gần 500 khẩu pháo lớn, hàng ngàn xe pháo tập trung đánh chúng ta. Phía ta đã huy động 9 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn, địa phương, các binh chủng, quân chủng. Là người trực tiếp chỉ huy chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị thì tôi thấy cuộc chiến ở Vị Xuyên trong 5 năm cũng không kém gì. Một ngày đối phương bắn từ 3-5 vạn quả đạn pháo, các quả núi trắng xoá, trở thành “lò vôi thế kỷ…”, ông nhớ lại.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng chia sẻ tại cuộc Gặp mặt chiều 23-1, tại Hà Nội.

Tham mưu trưởng mặt trận Vị Xuyên nhận định, thương vong của Trung Quốc cũng rất lớn, gần 15.000 quân, trong đó trên 350 đối tượng bị bắt sống. Song đã có gần 5.000 anh em cán bộ chiến sỹ của ta hy sinh ở mảnh đất này. 

“Có những ngày tôi còn nhớ mãi, đó là ngày 12-7-1984, 3 Trung đoàn chiến đấu thì hy sinh gần 1.000 người, xót xa lắm. Chúng ta mới quy tập về nghĩa trang Vị Xuyên hơn 1.700 hài cốt liệt sỹ, hiện gần 3.000 hài cốt các anh đang nằm trong đất, đá. Đau lắm. Chúng ta phải có nhiệm vụ tổ chức quy tập, đưa anh em về…” – Thiếu tướng xúc động nói.

Trân trọng việc các cơ quan hữu quan thời gian qua đã không quên những người nằm xuống, tổ chức quy tập mộ liệt sỹ, tìm kiếm các hài cốt còn sót lại, ông cũng mong muốn công tác tìm kiếm tới đây cần nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng tìm và đưa các hài cốt về. Vì đây là mặt trận ác liệt, chỉ trong phạm vi khoảng 2km chiều rộng và 10km chiều sâu nhưng đối phương đã bắn gần 2 triệu viên đạn pháo lớn. “Vì nếu không, hơn 30 năm rồi, thi hài anh em sẽ tan thành nước, hoà vào đá…”, ông nghẹn ngào.

“Nỗi lòng của tướng Huy cũng là nỗi lòng chung của anh em đồng đội mặt trận Vị Xuyên” – nhạc sỹ Trương Quý Hải tiếp lời. Tuy nhiên, theo ông, chúng ta cũng cần hiểu thêm về khó khăn chung của đất nước, sau khi chiến tranh kết thúc, một số đơn vị giải thể nên việc liên lạc tìm nhau khó vô cùng, chỉ có các nhóm tự phát tìm đồng đội xưa. 

“Khó khăn nữa là địa hình rất phức tạp, đạn, mìn cài chồng lấn, đạn pháo bắn liên miên, nhiều anh em bị hy sinh chưa mang được về, nhiều anh em không chỉ hy sinh một lần do thân thể bị đạn pháo bằm đi bằm lại hàng trăm lần cùng một vị trí đó…”, nhạc sỹ Trương Quý Hải cho biết. Những khó khăn đó đã thôi thúc anh viết nên ca khúc “Về đây đồng đội ơi”. Anh kể, khi trở về chiến trường xưa để thắp hương cho những đồng đội mà thân xác đang vùi nơi chiến địa thì các anh không biết thắp hương ở đâu cả, người tìm gốc cây, bụi cỏ, người đến dốc núi, mỏm đá. 

“Về sau mới làm được một đài hương ở Cao điểm 468. Hôm khánh thành, tôi không lên được, ngồi ở nhà có cảm giác bồn chồn giống như đồng đội cần mình mà mình không có mặt được. Trong lòng băn khoăn, sắp tới ngày giỗ trận thì sẽ nói gì với những anh em đã hy sinh. Vậy là bài hát ra đời, câu đầu tiên là “Về đây đồng đội ơi”, anh kể.

Thế rồi, không gian như ngưng đọng khi chính nhạc sỹ Trương Quý Hải với cây đàn ghi-ta đặc trưng của những người lính đã thể hiện luôn ca khúc. “Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/ Đài hương 468 ta hội quân…” – những ca từ rất đỗi tự nhiên, như lời gọi những người đồng đội còn nằm trong khe đá, thung sâu hay bờ cây, lạch suối cùng trở về hội tụ ở đài hương. Sau đó bài hát cứ theo mạch được viết lên, là nỗi niềm sâu lắng của những người còn sống gửi tới đồng đội đã hy sinh. 

“Bài hát hoàn thành thì tôi cũng như nhiều anh em trong dịp giỗ trận sống chập chờn giữa thực và ảo, tôi tự thấy trách nhiệm của người lính tuyên văn chưa trọn. Đó là mới nói được nỗi lòng của người sống với người hy sinh mà chưa nói được nỗi lòng của người hy sinh đối với người ở lại”, nhạc sỹ Trương Quý Hải tâm sự. Và thế là bài hát thứ hai ra đời, mang tựa đề “Hát cho người còn sống”…

Có thể nói, cuộc chiến đã qua đi nhưng những đau thương, mất mát thì chưa hề nguôi vì còn đó những mong ước chưa trọn. Tuy nhiên, bước qua cuộc chiến trở về với đời thường, nhiều thương binh, bệnh binh đã không ngừng phấn đấu vươn lên, nối tiếp truyền thống anh hùng trong học tập, công tác, lao động sản xuất, nâng cao đời sống gia đình và góp sức xây dựng quê hương, đất nước. 

Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Minh, Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Bộ Tài chính là một trong những người như vậy. Cách đây 37 năm, anh tốt nghiệp Đại học Ngoại thương thì tiếp nối truyền thống “xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ”, đi nghĩa vụ quân sự theo thông báo của Quận đội Đống Đa - nơi trường đóng quân. 

“Có 31 đồng chí đăng ký tham gia thì đều trúng tuyển; gia đình, trường lớp đều tổ chức chia tay, khi Quận đội cho xe đến đón, người thân và bạn bè đến đưa tiễn không khí rất giản dị, đầm ấm, tình cảm. Mọi người đều mong muốn chúng tôi sau 2 năm hoàn thành nhiệm vụ trở về”, anh nhớ lại. 

“Trước khi đi, mẹ dặn tôi phải hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, cố gắng vào Đảng. Tôi đã hứa với mẹ và làm đúng điều mẹ mong muốn, khi về bà rất phấn khởi. Tôi còn khoe với bạn, không chỉ có lý lịch quân nhân nhận xét tốt mà còn có hồ sơ đảng viên…”, cựu chiến binh này tiếp lời.

Đề cập đến những khó khăn trong quân ngũ, đặc biệt đối với sinh viên vừa rời ghế nhà trường, anh Minh cho rằng mình đã được rèn luyện tính kỷ luật, sự dẻo dai, cũng như biết nhiều nghề, làm nhiều việc để tăng gia sản xuất, biết lấy ranh mà lợp mái, làm thợ mộc đơn giản, hay xây dựng doanh trại… Tuy nhiên, cảm giác được lên chốt mới là sự rèn luyện, thử thách đúng nghĩa. Khi Sư đoàn Quân khu chỉ đạo chuyển quân từ Phố Lu đến Hà Giang, các anh chỉ nghe rất nhiều tiếng súng chứ không biết cụ thể. 

Thế nhưng, đặt chân lên Hà Giang rồi được cử lên chốt thì anh mới hiểu được, chốt là một mỏm núi, mỏm đồi rất xa xôi, hiểm trở, gần biên giới nhất, nhằm mục đích giữ để địch không lên được. “Lên chốt đã khó, giữ chốt còn vô cùng khó khăn, gần địch và xa dân, xa lực lượng của mình. Thời gian được cử giữ chốt, tại Điểm cao 685 mà báo chí vẫn gọi là “lò vôi thế kỷ” thì tôi ở E3. Khi mình mới lên chân ướt chân ráo thì phải hành quân trong đêm tối, đường rất gập ghềnh, lên lên xuống xuống đồi núi. 

Trời mưa trượt ngã, một bên là vực, một bên là thung, song phải lầm lũi đi, tuyệt đối không một lời nói chuyện, khoảng cách rất gần mà di chuyển mất 4 tiếng đồng hồ” – cựu chiến binh Nguyễn Hùng Minh kể lại. Ấn tượng thứ hai đối với anh là cái giá rét kinh khủng của vùng cao biên giới, ở chốt không có rào chắn, cây cối đã bị đạn pháo địch băm nát trơ trụi. Trong khi lệnh chiến đấu không cho mang vác nhiều quần áo, trên người chỉ có độc nhất một bộ và súng AK, băng đạn bên mình… Thế nhưng, vượt lên những gian khổ ấy, anh và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về với đời thường và tiếp tục cống hiến.

Còn có nhiều thân nhân liệt sỹ đã vượt qua sự mất mát, tần tảo một nắng, hai sương, nêu gương sáng cho thế hệ con cháu. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và con, em các đồng chí đã vươn lên trong cuộc sống, thành đạt trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội, thực sự là công dân kiểu mẫu. Bà Nguyễn Thị Sửu ở Phú Thọ, có chồng là liệt sỹ Hà Trọng Thuỷ, Đại đội trưởng Đại đội 10, Trung đoàn 881, Sư đoàn 14. 

Ông hy sinh khi bà mới 27 tuổi, một nách nuôi dạy hai người con một trai, một gái với vô vàn khó khăn. “Năm 1984, chồng tôi được điều động lên biên giới làm Đại đội phó Đại đội 10. Chiến tranh khắc nghiệt ở Hang Dơi (Vị Xuyên, Hà Giang-PV), đồng chí Đại đội trưởng hy sinh thì chồng tôi lên thay. 

Cuối năm 1985, anh bị thương, nằm viện điều trị một thời gian thì lại quay lên làm Trưởng ban tác chiến. Năm 1987, anh hy sinh lại đỉnh đồi 1000, Minh Tân, Hà Giang. Khi hay tin, mẹ con tôi như sét đánh ngang tai…”, bà Sửu mắt rơm rớm nhớ lại. 

Thế rồi, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình nội ngoại và bà con lối xóm, đồng đội của chồng, bà đã vượt lên đau thương để sống tiếp

. “Tôi hứa trước vong linh của chồng, lúc anh còn sống thì em là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác. Giờ anh hy sinh thì em sẽ thay anh vừa là cha, vừa là mẹ để nuôi dạy con khôn lớn” – vợ liệt sỹ Hà Trọng Thuỷ xúc động tâm sự. Và thế là bà đã trở thành hình tượng “Hòn vọng phu” thờ chồng nuôi con, đến nay hai người con đều đã lớn khôn, trưởng thành trong cuộc sống nhờ bàn tay của người phụ nữ mạnh mẽ, “vừa là cha, vừa là mẹ” ấy…


Quỳnh Vinh – Xuân Trường
.
.
.