Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nấm

Thứ Tư, 01/06/2016, 10:00
Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc.

Năm 2016, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn Tây Nguyên mùa mưa đến muộn, đến gần nửa tháng 5 những cơn mưa mới bắt đầu… Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các loại nấm hoang dại mọc ở khắp nơi, nhất là trên nương rẫy. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nấm là món ăn khoái khẩu, đặc biệt là trong thời gian canh tác phải ở lại trong các chòi rẫy trên nương. 

Và hệ lụy là do thiếu kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được và loại nấm nào là nấm độc, nên đã xảy ra các vụ ngộ độc nấm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người.

Theo thống kê của ngành chức năng Kon Tum, chỉ trong gần một tháng (từ 20-5 đến 15-6) của năm 2015, trên địa bàn tỉnh này đã liên tiếp xảy ra 7 vụ ngộ độc nấm, làm 33 người mắc, trong đó có 3 người tử vong. Mới đây nhất, vào lúc 17h ngày 22-5 tại thôn Nú Vai, xã Kroong, huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm làm 5 người mắc và phải chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục ATVSTP tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc. Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu và biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn, tuyệt đối không ăn nấm lạ. Không ăn thử hoặc cho động vật ăn thử; không hái nấm non để ăn (vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loại nấm) và cũng không ăn nấm quá già. Ở các xã vùng sâu, vùng xa khi ăn nấm nên hỏi rõ những người có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc, tránh ăn nhầm nấm độc.

Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đưa ra khuyến cáo với người dân, ngành chức năng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về nấm bằng tiếng Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai… trên sóng phát thanh nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.

N.H.Khôi
.
.
.