Cần xử lý nghiêm đối tượng xâm hại trẻ em
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với người từ 13 đến dưới 16 tuổi xảy ra tại một số địa phương mà nguyên nhân phần lớn là do sự buông lỏng quản lý của gia đình khiến các em bị đối tượng xấu dụ dỗ, lợi dụng xâm hại.
Mới đây, vào ngày 4-4, Công an huyện Phú Lộc đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Lê Rin (19 tuổi, trú ở thị trấn Lăng Cô) về hành vi giao cấu đối với người dưới 16 tuổi.
Tại cơ quan Công an, Rin khai nhận từ năm 2018, thông qua mạng xã hội facebook làm quen với bé gái 14 tuổi cùng ở địa phương. Không lâu sau, Rin hò hẹn và đưa bé gái này ra bãi biển xã Lộc Vĩnh để thực hiện hành vi giao cấu. Tuy nhiên sau đó gia đình bé gái biết được sự việc nên đã trình báo với Công an.
Một đối tượng xâm hại trẻ em (X) bị bắt giữ. |
Theo Thượng tá Trần Đăng Điền, Phó trưởng Công an huyện Phú Lộc, ngoài đối tượng Rin, trước đó Công an huyện cũng đã thụ lý, điều tra nhiều vụ án tương tự. Thậm chí có vụ án, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em lại là bạn bè của bố mẹ người bị xâm hại.
Điển hình như cách đây không lâu, đối tượng Trần Đăng Mão (30 tuổi, trú thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) đến nhà anh T. (42 tuổi, ở cùng xã) để nhậu. Sau khi nhậu say, Mão rủ rê cháu P. (15 tuổi, con gái anh T.), chở cháu bé đến tuyến đường vắng ở khu tái định cư Lộc Vĩnh làm chuyện đồi bại và bị Công an huyện Phú Lộc bắt giữ.
Ngoài các vụ án xâm hại về tình dục, nhiều đối tượng còn sử dụng hành vi bạo lực, hoặc nhẫn tâm ra tay giết hại trẻ em để thực hiện các ý đồ như trộm cắp, cướp tài sản.
Bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, theo số liệu thống kê, trong năm 2018, địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra 6 vụ xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Bởi lẽ có nhiều vụ xâm hại trẻ em, đối tượng gây án chính là hàng xóm, là người thân, họ hàng có quan hệ mật thiết với bị hại nên gia đình nạn nhân không muốn trình báo, tố giác sự việc đến cơ quan chức năng. Cũng vì lí do này mà không ít đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục, giao cấu với trẻ em nhiều lần, đến mức các em mang thai… thì gia đình mới làm đơn tố giác.
Cũng theo bà Ngọc, hiện ở một số địa phương công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em chưa được quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chưa tác động trực tiếp đến đối tượng cần tập trung tuyên truyền.
“Tại một số vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, do bất đồng về ngôn ngữ nên nhận thức của người dân về công tác chống xâm hại trẻ em còn nhiều hạn chế. Một số địa bàn còn thiếu kinh phí để duy trì, xây dựng mô hình phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, công tác quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện chưa được chặt chẽ và đây là môi tường trẻ em dễ bị lôi kéo, sa ngã dẫn đến bị người khác xâm hại…”, bà Ngọc nói.
Cùng với sự nỗ lực của cơ quan Công an, thời gian qua, các cơ quan chức năng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó có việc TAND các cấp mở những phiên xét xử lưu động đối với các bị cáo xâm hại trẻ em mức án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe kẻ khác khi có ý đồ phạm tội.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ rằng, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp pháp luật của quần chúng nhân dân.
Đặc biệt, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ phối hợp chặt chẽ với VKSND và TAND các cấp khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, đồng thời tiến hành xây dựng và nhân rộng các phong trào phòng, chống tội phạm để tạo được sự quan tâm, chung tay của cộng đồng nhằm giảm thiểu đáng kể số vụ xâm hại trẻ em.