Cần rà soát lại thực trạng bạo lực gia đình
- Tình trạng bạo lực gia đình ngày càng đáng báo động
- Hiệu quả từ mô hình “Thôn bình yên không có tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình”
Điều này cho thấy, con số tổng hợp của Bộ VH, TT & DL chưa nói được đầy đủ thực trạng bạo lực gia đình hiện nay. Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 12-12 tại Hà Nội.
Hội nghị do Bộ VH,TT&DL phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhằm đưa ra các bài học kinh nghiệm trong 10 năm (2008-2018) về thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tìm giải pháp đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới.
Một hội thi tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực gia đình; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình...
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 10 năm từ 2008 -2018, tình hình bạo lực gia đình có xu hướng giảm về số vụ. Theo báo cáo của Bộ VH, TT & DL tổng hợp chính thức từ các địa phương gửi về thì có hơn 13.000 vụ bạo hành được ghi nhận trong những năm qua.
Tuy nhiên, phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra rằng, con số tổng hợp của Bộ VH,TT&DL chưa nói được đầy đủ về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay. Nếu chỉ có 13.000 vụ bạo hành gia đình trong khi có mười mấy nghìn xã phường, tức là mỗi năm, một xã phường chỉ có 1 vụ bạo lực gia đình. Vì thế, con số này chưa đúng. So sánh các số liệu báo cáo từ các ngành khi tổng hợp về thông tin bạo lực gia đình thì có khoảng cách rất lớn với số liệu báo cáo.
Thống kê từ Tòa án nhân dân các cấp, đã có trên 1 triệu vụ án li hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Nếu chia ra 10 năm, mỗi năm đã có trên 100.000 vụ. Vì vậy, các Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành cần giải trình về sự chênh lệch này, lý do chênh lệch là do báo cáo lấy thành tích hay chưa nắm được Luật, khái niệm về phòng, chống bạo lực gia đình chưa thống nhất.
Phó Thủ tướng khẳng định: Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình rất quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người. Đây là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, bảo vệ trẻ em. Chúng ta phải tuyên truyền để người ta hiểu các hành vi tưởng là chuyện riêng thực ra là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người…
Để phòng chống bạo lực gia đình, chúng ta phải huy động tất cả cộng đồng. Luật đã chỉ ra hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng nhưng khi xử lý xong cần công khai, lấy kết quả xử lý ra tuyên truyền, rút kinh nghiệm thì sẽ hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH,TT&DL cần rà soát để nắm lại toàn bộ thực trạng này. Đối với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các cơ quan, liên quan Bộ VH,TT&DL cần phải họp bàn để có sự phối hợp, thống nhất sớm, có hướng dẫn chung về cả chế độ thông tin, tập huấn để làm cho tốt hơn công tác phòng chống bạo lực gia đình.