Xây dựng lại chung cư cũ: Cần nhà đầu tư đủ thực lực
Hàng ngàn người dân sống trong các chung cư nguy hiểm, sắp sập càng lo ngại hơn, quyết bám trụ tại các chung cư cũ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, tài sản khi dự án chưa có, vấn đề tái định cư tại các chung cư mới chưa biết sẽ ra sao.
Từ kết quả khảo sát với các hộ dân đang sinh sống trong các chung cư xuống cấp, chung cư nguy hiểm thì có đến hơn 90% hộ dân muốn tái định cư tại chỗ. Nên để xử lý đối với chung cư cũ, chung cư hỏng nặng trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh đã đặt ra điều kiện với hàng ngàn hộ dân là hết thời hạn 3 tháng đối với chung cư nguy hiểm; sau 12 tháng đối với chung cư hư hỏng nặng mà các chủ sở hữu chưa tự tìm được nhà đầu tư thì phía quận, huyện sẽ chủ động chọn chủ đầu tư và lập phương án tái định cư tại chỗ cho người dân.
Cảnh mua bán tấp nập tại một chung cư hỏng nặng. |
Tuy nhiên, việc buộc chủ đầu tư dự án chung cư phải tham gia ổn định cuộc sống cho người dân với yêu cầu cụ thể là diện tích nhà ở chung cư mới ít nhất phải bằng hoặc rộng hơn diện tích căn hộ cũ cũng sẽ là rào cản với doanh nghiệp (DN) nhỏ lẻ muốn đầu tư vào các dự án chung cư nguy hiểm, hỏng nặng. Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, còn phản ánh, việc chọn DN BĐS đầu tư vào các dự án chung cư cũ rất mất thời gian.
Phần thủ tục của dự án đã mất hàng năm trời, chưa kể DN phải gỡ vướng về giấy tờ nhà, giá đền bù với các hộ dân. Do vậy, chỉ khi các quận, huyện đứng ra thực hiện phương án di dời, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, việc thực hiện tháo dỡ chung cư cũ để xây lại mới khả thi.
Đại diện Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, thuận lợi để thu hút DN BĐS đầu tư ngay vào các chung cư đã hỏng nặng và nguy hiểm này là các chung cư tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5, quận 10 và Tân Bình… nhưng vấn đề khó khăn nhất với 474 chung cư cũ tại thành phố lại là riêng địa bàn quận 5 đã chiếm hết 203 chung cư.
Do đó, nếu thành phố không vào cuộc mạnh hơn mà chỉ phân cấp, trao quyền cho phía quận giải quyết, công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư, cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp cũng như được quyết định chấp thuận đầu tư dự án… lộ trình xử lý với chung cư cũ sẽ tiếp tục giậm chân tại chỗ.
Nhất là khi nhìn lại 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh mới chỉ tháo dỡ, xây dựng mới được 32 chung cư cũ. Vì vậy, mục tiêu thành phố đặt ra là đến năm 2020 sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất một nửa trong số chung cư cũ kể trên càng khó có cơ sở.
Ngay khi thành phố được Chính phủ cho phép tự chủ trong việc tìm nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, xây mới chung cư nguy hiểm, hỏng nặng, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tiềm lực trong nước bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Song, theo đề xuất của nhiều DN BĐS, khi một nửa số chung cư cũ tập trung tại quận 5, thành phố cần có đánh giá tổng thể về vị trí, lợi thế của từng chung cư trên địa bàn. Từ đó, đưa ra hướng thu hút những DN BĐS có tiềm lực tiến hành đầu tư đồng loạt với số lượng lớn.
Việc này sẽ tránh được tình trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ nhắm vào những dự án có lợi thế về vị trí, diện tích và số lượng hộ dân để gặm hết phần “nạc”, nhả lại khúc “xương” như cách đầu tư vào các chung cư cũ thời gian qua.