Quản lý, giáo dục ở các trung tâm cai nghiện: Cần cơ chế đặc biệt

Thứ Hai, 21/11/2016, 09:01
Bộ trưởng Bộ LĐ–TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước đang có đến 132 cơ sở cai nghiện đang quá tải. Do đó thời gian tới, phải cho các tỉnh, thành có cơ chế đặc thù, coi cơ sở cai nghiện là hạng mục công trình cấp bách, được chỉ định thầu để khẩn trương hoàn tất việc xây dựng, mở rộng nhằm giảm tải.


Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, tất cả các vụ phá cơ sở, trốn trại đều có nguyên nhân từ những người mang tiền án, tiền sự, từng dùng ma tuý đá, loạn thần, hướng thần nên những người này phải có một khu để cai riêng. Do đó cần phải tính toán lại mô hình cai nghiện tại các trung tâm cho phù hợp.

Cùng với việc phân loại, đưa đối tượng có tiền án, tiền sự vào khu cai nghiện riêng, phải xác định được những người bắt buộc cai nghiện thông qua toà án, những người còn lại khẩn trương đưa về gia đình…

Để sớm hoàn tất việc xây dựng cơ sở, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Thị Trang Đài cho biết, sở này đã đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép tạm ứng trước kinh phí để xây dựng khu tiếp nhận ban đầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp hiện nay.

Cơ sở vật chất không đảm bảo đủ chắc chắn, học viên cai nghiện dễ dàng đục phá để bỏ trốn.

Công trình xây dựng mới khu tiếp nhận ban đầu sẽ có sức chứa không quá 250 học viên, gồm 4 khu nhà ở học viên, tiếp nhận không quá 50 học viên mỗi khu; khu điều trị cắt cơn, giải độc;  hội trường không quá 120 chỗ, phòng tư vấn tâm lý cho học viên, phòng để tòa án xét xử và các phòng làm việc…

Trong thời gian xây dựng khu tiếp nhận ban đầu này, Sở LĐ-TB&XH Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị cho phép được sử dụng cơ sở vật chất tại cơ sở 2 để quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định sau khi đã cắt cơn giải độc.

Tiếp tục được kéo dài thời gian tạm ngưng tiếp nhận người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định vào Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề đến cuối tháng 11 này để ổn định tình hình ANTT tại trung tâm. 

Xác định các đối tượng được đưa vào trung tâm đa số là người nghiện ma túy tổng hợp nên khá manh động; luôn có ý đồ chống đối, cũng như sẵn sàng nuốt cả đinh vít, lưỡi dao cạo, dây kẽm… để được đưa đi bệnh viện điều trị hòng tìm cơ hội bỏ trốn nên ngay từ cuối tháng 3 vừa qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã quyết định đầu tư 15 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đối với Trung tâm cai nghiện.

Số tiền trên sẽ được dùng để nâng cấp các phòng ở của học viên; xây dựng nhà cắt cơn, nhà ăn và mua sắm trang thiết bị cho học viên. Ngày 30-9, khu A1 đã bắt đầu được tiến hành sửa chữa, nhưng việc này khiến 222 học viên ở đây phải di dời dẫn đến sự quá tải cho các khu khác.

Cơ sở vật chất thiếu, lại còn phải dành một số phòng ở của học viên để bố trí thành phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên của trung tâm càng khiến học viên bị quá tải, ít nhất là còn kéo dài cho đến khi việc xây dựng hạ tầng trung tâm hoàn tất.

Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định chia sẻ, dù hằng năm, Sở trích kinh phí dự phòng để bố trí cho Trung tâm gia công thêm sắt, tôn vào cửa đi, khung cửa sổ phòng ở của học viên.

Song với cơ sở hạ tầng của phục vụ cai nghiện của Bình Định bị xuống cấp, thiếu kiên cố hiện nay ở khu quản lý học viên, đội ngũ cán bộ quản giáo đang rất khó.

Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội Bình Định rất cần sự hỗ trợ đầu tư khu nhà ở học viên để công tác quản lý, giáo dục, chữa trị cho học viên hiệu quả hơn. Đáng lo ngại là việc trại viên đục tường, đục trần với ý định bỏ trốn khỏi Trung tâm diễn ra khá thường xuyên.

Để ngăn chặn thực trạng đáng lo ngại này, chúng tôi yêu cầu đội ngũ cán bộ quản giáo tại Trung tâm phải thường xuyên túc trực, theo dõi. Nhưng việc quản lý, điều hành hoạt động ở Trung tâm đã gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau những sự cố vừa diễn ra, Sở đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đưa ra khung thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để Tòa án xét xử; tránh tình trạng học viên so bì cùng vi phạm lần đầu nhưng thời hạn chấp hành quyết định lại khác nhau.

Đối với những học viên có biểu hiện kích động, gây rối, chống đối hoặc lôi kéo, tổ chức cho các học viên khác trốn khỏi trung tâm, hiện nay thẩm quyền của trung tâm cũng chỉ được phép giáo dục tại phòng kỷ luật không quá 5 ngày nên chưa đủ tính răn đe, giáo dục. Do đó, bà Lê Thị Trang Đài cũng đề nghị cần có hướng dẫn biện pháp xử lý kỷ luật để nâng cao công tác giáo dục học viên.

Về cơ cấu tổ chức, bà Lê Thị Trang Đài cho rằng, cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 21 ngày 8-1-2008 của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội do không còn phù hợp so với tình hình hiện nay.

Đồng thời cho mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ năng tìm hiểu tâm tư người nghiện cũng như xây dựng chuẩn chuyên môn chức năng các phòng làm việc, vị trí làm việc và hướng dẫn quy mô xây dựng cơ sở vật chất đối với các cơ sở cai nghiện bắt buộc, phân khu và định mức quản lý đối tượng tại các khu chức năng…

Nhóm PV
.
.
.