Nửa năm, chục lần học viên bỏ trốn khỏi các trung tâm cai nghiện

Chủ Nhật, 20/11/2016, 10:18
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc gây mất ANTT sau khi học viên cai nghiện quá khích hùa nhau đập phá các trung tâm cai nghiện để trốn ra ngoài tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước... Các đối tượng này sau khi trốn thoát ra ngoài đã tập trung thành từng đoàn tràn ra đường, những nhóm quá khích còn đập phá xe cộ trên đường gây hoảng loạn cho nhiều người dân trong khu vực và người đi đường.

Thực trạng này đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động trong việc quản lý đối với học viên cai nghiện tại các địa phương trên cả nước.

Tìm hiểu thông tin về tình hình ANTT tại Trung tâm cai nghiện Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB - XH Hồ Văn Lộc cho biết, tại đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng người nghiện bỏ trốn.

Cụ thể, chiều tối 23-4, lợi dụng lúc đi tắm rửa, các đối tượng thuộc khu xã hội đã dùng cây sắt đục tường bỏ trốn. Sự việc được cán bộ trung tâm phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Chiều 13-6, lợi dụng trời đổ mưa lớn trong lúc chơi thể thao, hơn 20 người nghiện đã có quyết định của tòa án buộc cai nghiện có thời hạn đồng loạt chạy ra cổng để bỏ trốn. Bảo vệ trung tâm đã kịp khống chế, ngăn chặn cũng như tổ chức truy đuổi, bắt giữ và vận động được hầu hết các đối tượng này quay lại trung tâm.

Lực lượng Cảnh sát cơ động có mặt để hỗ trợ, nhưng các học viên quá khích ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai vẫn tiếp tục gây rối hòng bỏ trốn.

Tiếp đó, ngày 25-9, lợi dụng giờ ăn cơm chiều, 15 trong số 45 đối tượng ở phòng 3, khu xã hội đã dùng khăn tắm và mền siết, bẻ lưới B40 ở khu vệ sinh bỏ trốn. Dù đã được Công an huyện Xuân Lộc hỗ trợ, nhưng trung tâm cũng chỉ truy tìm được 8 đối tượng.

Chưa dừng lại ở đây, 18h ngày 17-10, 28 học viên cai nghiện ở phòng số 1 thuộc khu những người đã có quyết định bắt buộc cai nghiện của tòa án tiếp tục lợi dụng lúc trời mưa, xô đổ cửa sổ phòng bỏ trốn. Bảo vệ trung tâm kịp thời phát hiện nhưng cũng đã có đến 9 học viên đã kịp nhảy qua tường rào chạy thoát ra ngoài. Nhờ sự hỗ trợ của Công an huyện Xuân Lộc sau đó, nhưng trung tâm cũng chỉ truy tìm được 3 người.

Trưa 6-11, nhiều học viên tại 3 phân trại trong trung tâm cai nghiện này lại tiếp tục hô hào, phá cửa tràn ra ngoài sân trong khuôn viên trung tâm. Để gây áp lực với cán bộ, nhân viên của trung tâm và kích động các đối tượng khác tham gia, các học viên này đã gom chăn, mền đang sử dụng đem ra đốt. Công an huyện Xuân Lộc đã lập tức điều động lực lượng đến hiện trường; Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã điều động lực lượng Cảnh sát cơ động đến hỗ trợ, ngăn chặn các tuyến đường để bắt giữ các học viên trốn trại.

Chiều cùng ngày, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB -XH Đồng Nai Hồ Văn Lộc khẳng định tình hình tại trung tâm này đã tạm ổn. Đến trưa 7-11, hàng chục học viên trung tâm cai nghiện này lại tiếp tục đập phá cơ sở đòi về nhà. Phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng Công an huyện và Cảnh sát cơ động, trật tự tại trung tâm mới tạm ổn định trở lại.

Sáng 9-11 tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề Bà Rịa – Vũng Tàu khi các hoạt động tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất đang diễn ra bình thường, bất ngờ có hơn 300 học viên tại 2 lớp đan 1 và đan 2 đang lao động tại khu B la hét, kích động học viên các lớp kéo lên sân bóng nhưng bị nhân viên của trung tâm ngăn chặn.

Sau đó, số học viên này quay trở lại đi theo hướng ra khu vực chòi 3 dùng đá ném chống trả nhân viên trực chốt tại vị trí đó và nhân viên bảo vệ trực chòi, một số dùng tấm đan bê tông đường thoát nước đập phá tường rào, leo qua chòi trực gác trốn thoát ra bên ngoài. Số học viên tổ chức bỏ ra bên ngoài là 195 học viên. Trước đó, vào tháng 4, tháng 5 đã có gần 500 học viên cũng đã tổ chức trốn trại.

Sau các vụ việc xảy ra gần đây, đã có 20 học viên cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện Đồng Nai bị Công an huyện Xuân Lộc bắt khẩn cấp về hành vi gây rối. Song một điều dễ nhận thấy là tất cả các vụ việc học viên bỏ trốn tại trung tâm cai nghiện này đều diễn ra trong giờ nghỉ buổi trưa hoặc chiều, là thời điểm một bộ phận cán bộ trại hết giờ làm việc. Điều này cho thấy Trung tâm cai nghiện Đồng Nai đã mất cảnh giác, không tăng cường cán bộ luân phiên giám sát vào những khoảng thời gian nghỉ…

Đến các trung tâm cai nghiện, chúng tôi phát hiện ra một sự thật hết sức đáng lo ngại: Nhiều trung tâm cai nghiện không chỉ quá tải về số lượng, cơ sở vật chất xuống cấp không đảm bảo an toàn, mà ngay cả đội ngũ nhân sự, nhất là lực lượng bảo vệ cũng thiếu trầm trọng. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát hàng ngày với người nghiện, đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy đá là không hề đơn giản… 

Tại Trung tâm Giáo dục - lao động và Dạy nghề tỉnh BR-VT, chúng tôi nhận thấy, khu A, B là các dãy nhà ở của học viên đã xuống cấp trầm trọng do đã được xây dựng trên dưới 20 năm. Hệ thống tường rào bảo vệ một số nơi chưa đảm bảo, độ cao các phòng học nghề thì được làm bằng tôn, cũ kỹ. Đã vậy, được UBND tỉnh BR-VT đồng ý, năm ngoái, trung tâm còn “cắt” một phần diện tích của khu B để làm khu tiếp nhận học viên ban đầu.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý học viên cai nghiện, khu tiếp nhận học viên ban đầu này này cũng chỉ mới được gia cố, sửa chữa nhỏ tạm thời và lắp đặt tường tôn để ngăn cách với phần diện tích của khu vực cai nghiện bắt buộc.

Khi thành lập riêng khu tiếp nhận học viên ban đầu, sức chứa các phòng ở dự kiến chỉ đáp ứng khoảng 100 học viên, tuy nhiên có thời điểm khu vực này đã lên đến 230 học viên, dẫn tới quá tải trầm trọng. Cơ sở vật chất đã thiếu, không đảm bảo, còn nhân lực cũng rất mỏng. Cả trung tâm chỉ có 44 nhân viên bảo vệ chia làm 2 ca, như vậy mỗi ca chỉ có 22 nhân viên bảo vệ nhưng phải quản lý gần 900 học viên.

Tương tự, với lượng học viên cai nghiện quá đông như ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai, số lượng nhân sự bố trí cho trung tâm này phải đảm bảo trên dưới 150 người mới có thể đáp ứng tiêu chí một nhân viên quản lý 9 học viên. Thiếu nhân sự trầm trọng, nên ngay cả khi tỉnh Đồng Nai đã cho phép hợp đồng thêm với 70 nhân viên bảo vệ cùng lúc, thì việc tập trung đập phá, trốn trại tập thể vẫn xảy ra sau đó. Được cho là cơ sở đảm bảo tốt về ANTT, thì nhân sự của Trung tâm cai nghiện của Bình Dương cũng vẫn còn thiếu tới 25 người so với quy định.

Tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để học viên yên tâm cai nghiện. Ảnh: CTV.

Điều khiến ông Hà Minh Chung, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB - XH tỉnh Bình Dương quan tâm là thu nhập của nhân viên Trung tâm cai nghiện Bình Dương khá thấp, chỉ ở mức từ 4 - 6 triệu đồng mỗi tháng.

Ông Nguyễn Văn Tụng, cán bộ bảo vệ của Trung tâm cai nghiện ma túy Đồng Nai cho biết, công việc chính của ông là bảo vệ, bắt đầu từ 6h30 sáng hôm nay cho tới 6h30 sáng hôm sau. Trong thời gian đó, ông phụ trách tất cả các trường hợp người và xe vào trung tâm; hướng dẫn người nhà trại viên tới làm giấy tờ, thăm nuôi con em họ, bước đầu tiếp đón người mới tới. Kết thúc ca bảo vệ, ông thực hiện công việc đưa trại viên đến nơi sản xuất; trông coi giờ lao động của họ tới chiều tối. Trong số những trại viên, có nhiều người có tiền án, tiền sự.

“Cứ 2 ngày làm tôi được nghỉ 1 buổi tối. Tôi gắn bó ở đây gần 10 năm rồi, giờ lương cứng, phụ cấp các khoản… tổng cộng được 5,4 triệu đồng/tháng. Lương của tôi vậy là cao hơn nhiều người ở đây lắm rồi, thậm chí cao hơn cả cán bộ, những người làm việc vất vả và luôn chấp nhận sự quá tải trong công việc…”, ông Tụng cho biết.

Nhóm PV
.
.
.