Các tỉnh ven biển ĐBSCL chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ, sáng 1-11, UBND tỉnh Sóc Trăng có cuộc họp khẩn các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, các sở, ban ngành… để phân công các thành viên xuống cơ sở chỉ đạo công tác ứng phó.
- Lực lượng Công an chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
- MobiFone chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới
Sáng 1-11, trao đổi với PV Báo CAND, ông Lương Minh Quyết - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban phụ trách PCTT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã đưa các thành viên Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN xuống các địa bàn ven biển.
Tỉnh đã nhận được 2 công văn khẩn cấp của Trung ương và đã ra 2 công văn chỉ đạo gửi tới các địa phương thông báo khẩn và cập nhật thông tin về tình hình ATNĐ 30 phút 1 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng để cho bà con biết, có biện pháp ứng phó, phòng chống rủi ro, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ATNĐ gây ra. Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đã kêu gọi tất cả các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, gần bờ về, hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.
Đối với các vùng trọng yếu ven biển, ven sông Hậu thì kiểm tra kỹ lưỡng, duy tu, trực canh; đối với những tuyến đò ngang, đò dọc trên sông lớn cần kiểm tra kỹ, nhắc nhở trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi; đề nghị tuyến tàu cao tốc Sóc Trăng – Côn Đảo ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Đối với các tàu đánh bắt hải sản đã thông báo đầy đủ về thông tin tình hình của ATNĐ, yêu cần khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú tránh an toàn.
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 214 chiếc tàu đánh bắt ngoài biển, với tổng số 1.192 thuyền viên (có 193 tàu đánh bắt xa bờ, với 1.150 thuyền viên; 21 tàu ven bờ, 42 thuyền vào), đang khẩn trương vào bờ và liên lạc với hệ thống tin ven bờ thường xuyên.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới gần bờ (ảnh Internet) |
Trước ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ngày 31-10 và 1-11, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau đã tích cực thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm rõ các diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh và giảm thiệt hại có thể xảy ra. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc kêu gọi, hướng dẫn ngư dân vào khu neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới.
Tính đến 20h ngày 31-10, các đơn vị BĐBP Cà Mau đã tổ chức thông báo, kêu gọi 1.136 phương tiện, với 4.909 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Hiện vẫn còn 406 phương tiện, với 2.802 ngư dân đang di chuyển trên biển tìm về các cửa biển để tránh trú. Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp địa phương và các lực lượng tại chỗ tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ở những địa bàn ven biển có biện pháp di dời, đề phòng mưa dông, nước dâng kết hợp triều cường, lốc xoáy, làm tốt công tác chuẩn bị và có phương án xử lý tốt các tình huống xảy ra khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền.
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau cho biết, trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị xuống các địa bàn trọng yếu, trực 24/24 để có biện pháp ứng phó kịp thời khi ATNĐ gây ra.
Ông Lâm Văn Phú – Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết, huyện thông báo cho hơn 1.700 phương tiện xuất bến từ cửa biển Sông Đốc thông tin về ATNĐ, hiện tại còn hơn 220 phương tiện đang khai thác trên biển đã kêu gọi được 152 phương tiện vào bờ tránh trú. “Các phương tiện còn lại, địa phương đang khẩn trương liên lạc” - ông Phú nói và cho biết, cửa biển Sông Đốc hiện có hơn 1.000 tàu thuyền vào neo đậu.
Theo ông Phú, tâm trạng người dân ở cửa biển rất lo lắng, bà con theo dõi sát sao thông tin dự báo thời tiết. Một số ngư dân đã bắt đầu tính đến chuyện di dời tài sản từ tàu lên bờ, đề phòng nước dâng, gió giật… Tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, ông Đoàn Văn Hắt – Bí thư Đảng ủy xã thông tin, hàng trăm phương tiện của ngư dân đã vào bờ neo đậu.
“Do thời điểm này đã hết con nước đánh bắt nên bà con cũng chủ động cho tàu vào bờ”, ông Hắt nói. Ông Đoàn Văn Khởi – chủ tàu ở cửa biển Sông Đốc cho biết, bà con đã chủ động cho tàu mình vào nơi neo đậu từ nhiều ngày trước. “Thời tiết hôm nay không khác chi 20 năm trước khi bão Linda đổ vào Cà Mau” - ông Khởi nói ngư dân đã sẵn sàng ứng phó với thời tiết diễn biến xấu nhất… Tại tỉnh Bạc Liêu, lực lượng BĐBP tỉnh cũng đã kêu gọi tàu, thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn.
Các tàu đánh bắt xa bờ đang vào cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) để tránh, trú ATNĐ. |
Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, ngày 1-11, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử hai đoàn công tác vào các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, trực tiếp chỉ đạo các biện pháp ứng phó.
Hồi 4h ngày 1-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 7,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Đến 4h ngày 2-11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy; gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m; biển động mạnh. Ven biển các tỉnh Nam Bộ cần đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-4,5m. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 5-10 độ vĩ Bắc, 103,5-110,0 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, từ chiều và đêm 1-11, ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có gió giật mạnh cấp 6-7; từ 1-11 đến hết ngày 2-11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.