Các cơ sở lưu trú cần có khẩu trang miễn phí cho du khách nước ngoài

Thứ Bảy, 14/03/2020, 12:17
Các đơn vị cần đặc biệt lưu ý việc tuyên truyền, vận động khách du lịch đeo khẩu trang khi thăm quan các di tích tại Hà Nội, đeo khẩu trang tại các tụ điểm đông người, hoặc trên các phương tiện công cộng như xe bus 2 tầng...


Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là thời gian gần đây, nguồn lây nhiễm mới phát sinh từ người đi du lịch từ Châu Âu, Châu Mỹ về, hoặc từ khách du lịch Châu Âu sang Việt Nam. 

Vì vậy, để ngăn chặn nguồn lây nhiễm, Chính phủ đã có qui định tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch đến từ, hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Shengen (bao gồm 26 quốc gia thuộc EU), Vương quốc Anh và Bắc Ailen trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam. Tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu

. Các quyết định nêu trên có hiệu lực 30 ngày kể từ 12h ngày 15/3/2020 (không áp dụng đối với khách nhập cảnh là nhân viên ngoại giao, nhập cảnh vì mục đích công vụ).

Khách du lịch không đeo khẩu trang tại khu vực công cộng (ảnh chụp sáng 14/3/2020).

Mặc dù từ khi  có dịch COVID-19 đến nay, số lượng du khách đến Việt Nam đã giảm, nhưng hiện tại, số lượng khách du lịch Châu Âu tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các điểm du lịch khác trong cả nước vẫn còn khá đông. Quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), nơi có tới hơn 700 cơ sở lưu trú, có thể đáp ứng số lượng khách lưu trú  lên tới hàng ngàn người.

Theo thói quen và quan niệm của người Châu Âu, thường họ chỉ sử dụng khẩu trang khi bị bệnh để tránh lây nhiễm cho người khác. Song, với dịch bệnh COVID-19, thời gian ủ bệnh lâu, nên trong thời gian chưa phát bệnh, rất có thể, họ đã mang mầm bệnh phát tán cho người khác... Bởi vậy, việc khuyến cáo, thậm chí trong một số trường hợp cần bắt buộc du khách đeo khẩu trang là cần thiết.

Chúng tôi được biết, Sở Du lịch TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch. Trong đó, các đơn vị cần đặc biệt lưu ý việc tuyên truyền, vận động khách du lịch đeo khẩu trang khi thăm quan các di tích tại Hà Nội, đeo khẩu trang tại các tụ điểm đông người, hoặc trên các phương tiện công cộng như xe bus 2 tầng...

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, có nhiều tốp du khách Châu Âu đi từng đoàn vẫn không sử dụng khẩu trang, nhất là ở các khu vực công cộng như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ... Tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng. Thực tế, đã có trường hợp một hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội và một nữ nhân viên bán hàng tại Đà Nẵng nhiễm COVID- 19 khi giao tiếp với du khách nước ngoài.

Để phòng chống dịch, ngăn ngừa nguy cơ đến mức thấp nhất, chúng tôi đề nghị các cơ sở lưu trú hoặc các đơn vị lữ hành, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt những qui định phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần có qui định bắt buộc các đơn vị này phải phát khẩu trang miễn phí cho du khách nước ngoài; có thể sử dụng khẩu trang vải chứ không nhất thiết phải phát khẩu trang y tế vừa dễ mua, tiết kiệm lại không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời cần trang bị lọ xịt rửa tay, khuyến cáo du khách cần rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm. 

Nên chăng, Ban quản lý Hồ Gươm thuộc UBND quận Hoàn Kiếm và các hàng quán xung quanh khu vực này thường xuyên nhắc nhở du khách sử dụng khẩu trang; có thể bố trí các chậu rửa tay hoặc gel rửa tay tại khu vực này.

Đối với những cá nhân  giao tiếp với khách nước ngoài, cần chủ động đeo khẩu trang phòng ngừa và thường xuyên rửa tay khi tiếp xúc, giao nhận đồ vật, tiền bạc với du khách.

Đào Minh Khoa
.
.
.