Cá chép cúng ông Công, ông Táo tăng giá do trời rét

Thứ Tư, 07/02/2018, 09:27
23 tháng Chạp là ngày mà dân gian theo tín ngưỡng cúng ông Công, ông Táo, thế nên hàng mã để phục vụ cho ngày này đã vô cùng nhộn nhịp. 

Đồ cúng ông Công, ông Táo năm nay không mới, tuy nhiên giá thành lại rất đa dạng. Những nơi chuyên cung cấp cá chép cho thị trường vào ngày này cũng đã rục rịch xuất ao, dự kiến giá chép tăng nhẹ so với năm ngoái do giá rét.

Hàng mã cúng ông Công, ông Táo không chỉ đa dạng về mẫu mã mà giá thành cũng tùy theo khu vực. Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm, chợ Bưởi, chợ 8-3, Nguyễn Công Trứ, Hàng Bè… đồ hàng mã rất phong phú, giá thành bình dân.

Năm nay các mặt hàng đồ cúng được làm bằng chất liệu dày dặn, đẹp hơn, trong khi giá thành gần như không thay đổi. Tại các chợ này, một bộ cúng ông Công, ông Táo gồm mũ, hài, cá chép, thần linh dao động từ 40.000-300.000 đồng tùy kích cỡ và chất liệu; quần áo từ 10.000-20.000 đồng/bộ; ngựa từ 25.000 -100.000 đồng/con tùy loại to; nhỏ; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá từ 30.000 đồng/vật phẩm; bộ tiền vàng giá từ 10.000-20.000 đồng/tập tùy loại…

Một bộ cá chép đỏ có giá dao động từ 25.000-60.000 đồng.

Tại các chợ “cóc” và gánh hàng rong, đồ hàng mã lại càng rẻ hơn. Thậm chí, có gánh hàng rong chỉ có 25.000 đồng/bộ, đắt nhất là 40.000đồng/bộ. Chị Thu, chuyên bán hàng mã rong ở khu vực đường Thụy Khuê cho biết: “Bộ này nhỏ, chất lượng giấy không đẹp nên chỉ có giá 25 nghìn đồng thôi”.

Vào một số cửa hàng bán lẻ, đồ mã cúng ông Công, ông Táo có giá dao động từ 40.000-70.000đ/bộ. Các cửa hàng này chuẩn bị khá đầy đủ đồ cúng đi kèm như tiền vàng, hương, nến, cá chép giấy.

Tới phố Hàng Mã, không khí mua sắm cực kỳ sôi động. Giá đồ mã ở đây có nhiều mức, từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng/bộ ông Công, ông Táo, cá chép, thần linh. Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên bán hàng cho biết, bộ cao nhất ở cửa hàng có giá 500.000 đồng do đây là bộ đại, chất liệu đẹp. Cách đây cả tháng, người mua buôn đã nhập hàng. Đến nay chỉ còn khách mua lẻ.

Theo chị Hà thì tuy giá đồ mã năm nay không tăng, sức mua cũng không tăng hơn so với năm ngoái. Thậm chí giá đồ mã có thể giảm vào ngày 23 tháng Chạp. Chị Nguyễn Thị Nga, quê ở Nam Định nhiều năm bán hàng mã rong ở Hà Nội cho biết: “Năm nay sức mua giảm hẳn, trước đây mỗi ngày tôi bán khoảng 30 bộ, nhưng năm nay chỉ bán được 20 chục bộ”.

Theo chị Nga thì do ngày càng nhiều người bán đồ mã cúng ông Công, ông Táo nên gánh hàng rong cũng phải cạnh tranh. Và cũng có nhiều nhà năm ngoái là khách quen nhưng năm nay không mua do họ không đốt vàng mã.

Cùng với đồ hàng mã, cá chép vàng cúng ông Công, ông Táo hiện đã được bày bán ở hầu hết các chợ trên địa bàn Thủ đô. Theo khảo sát của chúng tôi, dịp này do thời tiết rét đậm, rét hại cũng như có những diễn biến bất thường nên giá cá chép vàng có tăng nhẹ so với dịp này năm ngoái. Cá chép vàng được bán theo bộ, mỗi bộ gồm 3 con.

Tại chợ Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, 1 bộ cá chép bơi khỏe có giá 50.000-60.000 đồng. Trong khi đó, tại chợ Giáp Bát, cá chép có giá thấp hơn khoảng 25.000 -30.000 đồng/bộ. Nói về lý do chênh lệch, một chủ kinh doanh cá chép vàng tại chợ Đồng Tâm cho biết, giá chủ yếu phụ thuộc vào kích cỡ và độ khỏe mạnh của cá. Cá to vừa phải, bơi khỏe sẽ có giá cao hơn.

Để chuẩn bị cá cho ngày Tết ông Công ông Táo, những người buôn cá phải đặt hàng trước cả tháng tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Chị Hoàn, người buôn cá chép có kinh nghiệm tại chợ Tam Đa, quận Ba Đình cho biết, những năm trước năm nào chị cũng bán được 1 tấn cá chép đỏ, có năm đắt hàng thì chưa đến buổi trưa  23 tháng Chạp đã “cháy cá”.

Ngoài loại cá chép đỏ truyền thống, năm nay, trên thị trường còn xuất hiện thêm cá koi được cho là nhập từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản với giá đắt hơn dành cho các gia đình giàu có, chịu chơi. Hiện trên thị trường giá cá chép koi dao động từ 200.000-800.000 đồng/con.

Cùng với cá chép, đồ mã thì một số mặt hàng cúng 23 tháng Chạp đi kèm như xôi, bánh chưng, giò, trái cây cũng tiêu thụ mạnh. Giá cả các mặt hàng tăng nhẹ so với năm trước.

Hằng Hương
.
.
.