Bội chi bảo hiểm y tế vẫn còn rất lớn

Thứ Năm, 29/03/2018, 07:24
Tính đến hết 21- 3, chi phí đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) gần 17 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ 2017 tăng gần 20%. Đáng chú ý, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt Quỹ Khám chữa bệnh (KCB) được sử dụng.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong 3 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp một số khó khăn nhất định, nhất là liên quan đến công tác thanh toán, giám định chi phí KCB BHYT...

Nhiều tỉnh chi vượt lớn

Theo BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm 26-3-2018, toàn ngành đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 2.316 cơ sở y tế, trong đó có 1.669 cơ sở công lập, 647 cơ sở ngoài công lập (43 cơ sở tuyến Trung ương, 655 cơ sở tuyến tỉnh, 1.407 cơ sở tuyến huyện và 211 cơ sở tuyến xã).

Một số doanh nghiệp FDI bỏ trốn về nước khiến người lao động rơi vào cảnh lao đao.

Trong số này, có 1.996 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thanh toán theo phí dịch vụ, 320 cơ sở thanh toán theo định suất. Tính đến hết tháng 2- 2018, quỹ BHYT đã chi trả cho 24,775 triệu lượt khám chữa bệnh, trong đó số lượt ngoại trú chiếm 91%, nội trú chiếm 9%, với tổng số tiền 12.577 tỉ đồng, vượt khoảng 18% Quỹ KCB BHYT được sử dụng (trong đó số chi ngoại trú chiếm khoảng 40,3% và số chi nội trú chiếm khoảng 59,7%).

Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí KCB lớn như: Quảng Ninh 31,9%; Bình Dương: 31,8%; Cần Thơ 31,1%; Đồng Tháp 31,1%; Khánh Hòa 30,1%.

Theo thống kế được ông Trung đưa ra, số lượt KCB gia tăng cao nhất tại tuyến huyện với 12,8 triệu lượt tăng 17,9%; tuyến tỉnh: 15,7%; tuyến Trung ương 5%. Tuy nhiên, chi phí KCB tăng cao nhất là tại tuyến tỉnh với 1.209 tỷ đồng tăng 20,12%; tại tuyến huyện là 22,7%, 727 tỷ đồng và tuyến Trung ương 3,6% với 79 tỷ đồng.

Đề cập đến những bất cập, ông Đàm Hiếu Trung cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, theo thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, nhiều cơ sở KCB chưa thực hiện liên thông dữ liệu hàng ngày, nhiều bệnh viện tại các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chỉ gửi dữ liệu đề nghị thanh toán vào cuối tháng.

Trong tháng 2-2018, một số cơ sở KCB có chi phí KCB lớn tại Hà Nội, Hồ Chí Minh gửi dữ liệu thiếu so với thực tế phát sinh, có bệnh viện dữ liệu gửi chỉ đạt khoảng 40% so với thực tế phát sinh.

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng với con số chi KCB BHYT tăng như  trong quý I- 2018, nếu không có giải pháp chặt chẽ ngay từ đầu năm sẽ khó đảm bảo dự toán được giao.

“Quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế thuộc diện thanh toán BHYT đang có một số bất cập. Ví dụ có một số dịch vụ y tế được định giá quá cao, điển hình là chi phí tiền giường bệnh. Hiện chi phí tiền giường bệnh được xây dựng trên cơ sở 1 giường có từ 1 - 1,3 nhân viên y tế, nhưng thực tế nhiều bệnh viện chỉ đạt 1 giường có từ 0,4- 0,7 nhân viên y tế; một số loại trang bị tính vào chi phí tiền giường nhưng giờ không còn dùng nữa, hoặc không được trang bị như tiền màn, tiền nước, máy hút ẩm... Theo đó, cần điều chỉnh giá dịch vụ y tế về mức sát nhất”, ông Phúc cho biết.

Doanh nghiệp FDI bỏ về nước đang gây nhiều hệ lụy

BHXH Việt Nam cho biết đến hết quý I- 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,68 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 11,8 triệu người; BHYT là 80,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số.

Một trong những vấn đề đang được dư luận rất quan tâm là thời gian qua, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bỏ trốn về nước khiến người lao động rơi vào cảnh lao đao, quyền lợi BHXH không được hưởng.

Đề cập đến vấn đề này, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, đến thời điểm này các doanh nghiệp nợ BHXH Việt Nam khoảng 12 nghìn tỷ đồng, trong đó BHXH là 10 nghìn tỷ đồng và BHYT khoảng 2 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Thắng, hiện nay xử lý nợ BHXH vẫn đang gặp nhiều khó khăn. “Các doanh nghiệp nếu có dấu hiệu nợ đọng tiền BHXH thì các đơn vị sẽ đôn đốc, đến khi thanh tra có những doanh nghiệp nộp và có doanh nghiệp xin khất lại. Hơn nữa trong quá trình thanh tra, xử phạt, nếu doanh nghiệp cố tình chây ì mới quyết định khởi tố.

Đến nay mới có 1 doanh nghiệp FDI đang chuẩn bị hồ sơ khởi tố hình sự”. Cũng theo ông Thắng, đối với các doanh nghiệp FDI, nếu quản lý chặt nợ trên 10 tỷ là thanh tra ngay và khi chủ doanh nghiệp muốn xuất cảnh là phải xem xét nếu không đủ điều kiện thì cơ quan Công an sẽ không cho xuất cảnh tránh trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ về nước.

Đối với các doanh nghiệp FDI bỏ trốn mất tích, theo thống kê của BHXH Việt Nam đến cuối năm 2017 có khoảng 100 doanh nghiệp bỏ về nước gây khó khăn cho người lao động của doanh nghiệp đó. Một số đơn vị được ưu tiên giải quyết vốn liếng thì nợ BHXH cũng không được ưu tiên và BHXH thực sự “bó tay” nếu doanh nghiệp FDI bỏ về nước, bỏ nợ BHXH cũng như quyền lợi của người lao động.

P.H
.
.
.