Bình Dương cần có chính sách kích cầu người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thứ Tư, 26/08/2020, 22:14
Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được coi là “của để dành” cho nhiều người không thuộc diện biên chế nhà nước, có hợp đồng lao động dài hạn... Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện ở Bình Dương hiện nay vẫn còn thấp.


Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp

BHXH tự nguyện là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được triển khai thực hiện từ 1/1/2008, là một phần trong hệ thống chích sách BHXH của nước ta. Qua hơn 12 năm thực hiện, chính sách BHXH tự nguyện đã được sửa đổi, bổ sung một số điều khoản cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận và tham gia nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách.

Chính sách BHXH tự nguyện giúp những đối tượng chưa tham gia BHXH bắt buộc có cơ hội tham gia, đặc biệt là đối tượng tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác, lao động tự do, các tiểu thương, người giúp việc gia đình...Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện (sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc hàng tháng phải chi trả trợ cấp cho người cao tuổi như hiện nay). 

Người tham gia BHXH tự nguyện được cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu.

Ngoài ra, khi tham gia BHXH tự nguyện người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần và tử tuất theo quy định như: Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế; được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) khi nghỉ hưu với tỷ lệ được chi trả 95% (người lao động không phải mua BHYT hộ gia đình và ngân sách Nhà nước cũng không mua BHYT cho đối tượng người cao tuổi); người lao động đóng BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên khi mất đi thì thân nhân sẽ được hưởng mai táng phí và tuất một lần…Với những lợi ích mang lại, BHXH tự nguyện góp phần giảm bớt khó khăn, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống, là điểm tựa vững chắc cho người lao động tự do khi về già, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo thống kê, tính đến ngày 30/6/2020, Bình Dương có 6.733 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,37% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương dự báo lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 1.835.864 người). Thực trạng đó cho thấy, tỷ lệ bao phủ người dân tham gia BHXH tự nguyện ở Bình Dương còn rất thấp, lao động tham gia BHXH tự nguyện có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng so với lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Đa phần đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là người làm nghề tự do. Nông dân, việc làm không ổn định, thu nhập thấp lại không thường xuyên nên rất khó khăn khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi BHXH tự nguyện yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn ít; nhận thức về chính sách, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện của người dân còn hạn chế, chủ yếu chỉ nhìn thấy lợi ích ngắn hạn trước mắt, chưa nhìn thấy lợi ích lâu dài. 

Tính đến 30/6/2020, Bình Dương chỉ có gần 500 người tham gia BHXH tự nguyện được giải quyết chế độ hưu trí, do vậy gánh nặng về người cao tuổi không có lương hưu mà ngân sách nhà nước phải chi hỗ trợ bảo trợ xã hội là rất lớn. Ngân sách Trung ương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện mới được thực hiện từ ngày 1/1/2018 và mức hỗ trợ còn quá thấp, chưa đủ để “kích cầu” người dân tham gia chính sách. Chưa có chính sách hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách địa phương.

Cần có chính sách hỗ trợ của địa phương

Năm 2020, dự toán BHXH Việt Nam giao cho tỉnh Bình Dương là 19.019 người tham gia BHXH tự nguyện, như vậy cần tăng 12.286 người tham gia. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 30/11/2018 của HĐND tỉnh, sẽ có khoảng 700 lao động là cán bộ, công chức cấp xã nghỉ việc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn 2019 – 2021. Số lao động là cán bộ, công chức cấp xã này có thời gian tham gia BHXH dưới 20 năm, tính đến thời điểm họ nghỉ việc. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ của tỉnh để số lao động này tiếp tục tham gia chế độ BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí khi họ hết tuổi lao động về sau. 

Ngoài ra, toàn tỉnh còn hơn 720.000 người lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH (theo số liệu tại thời điểm 31/12/2019), trong đó gần 580.000 lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia BHXH nhưng chưa tham gia. Điều này, đồng nghĩa với việc chừng ấy người sẽ không có cơ hội nhận lương hưu nếu không tham gia BHXH tự nguyện. Đây sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách sau này khi phải chi trả chế độ trợ cấp cho người cao tuổi do không có lương hưu. 

Nếu giai đoạn hiện nay, ngân sách chi hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện để kích cầu người lao động tham gia BHXH tự nguyện để khi hết tuổi lao động họ sẽ được hưởng lương hưu, thì về lâu dài sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách đối với việc chi trợ cấp bảo trợ xã hội, mua thẻ BHYT cho người cao tuổi.

Như vậy, với thực trạng tham gia BHXH tự nguyện như trên của tỉnh, trong thời gian tới, nếu không có bước đột phá để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện, góp phần gia tăng tỷ lệ bao phủ là rất khó khăn và thách thức. Bên cạnh việc nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác tăng cường các giải pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia, đẩy mạnh cải cách hành chính... thì rất cần đến chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương để kích cầu cũng như tăng tính hấp dẫn, thu hút được đông đảo người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Phạm Văn Tuyên: Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã trình đề án kiến nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ kinh phí đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn. Việc ban hành chính sách hỗ trợ sẽ thu hút được đông đảo số lượng người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc sẽ tham gia BHXH tự nguyện. 

Đối tượng là người nghèo, người cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện sẽ đạt tỷ lệ 100% do được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn (năm 2020, số lượng người nghèo, cận nghèo từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là 14.787 người), để sau này khi hết tuổi lao động họ được hưởng chế độ lương hưu, tử tuất, khám, chữa bệnh BHYT. 

Ngoài ra, còn là nguồn động lực để thúc đẩy người dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, làm việc có nguồn thu nhập ổn định, duy trì để có thể tiếp tục tham gia chính sách BHXH tự nguyện về lâu dài, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Xuân Hà
.
.
.