Bệnh viện Thống Nhất và câu chuyện về y đức

Thứ Hai, 27/02/2017, 08:05
Sài Gòn Tháng Giêng nắng như đổ lửa. Thế nhưng, phía trong khuôn viên của bệnh viện (BV) Thống Nhất, cảm giác thật tuyệt vời dưới những rặng cây xanh mát rượi. Môi trường xanh-sạch vốn là “đặc sản” của BV Thống Nhất. Dạo một vòng hỏi han, chúng tôi đều nhận được những lời khen tặng dành cho đội ngũ thầy thuốc nơi đây. 


Người dân thành phố cũng còn nhắc mãi những câu chuyện thật đẹp vào dịp cuối năm vừa qua tại nơi này, về sự tận tâm với bệnh nhân, đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong việc cứu sống thành công những ca rất nặng, điển hình của ngành Y.

Từ "Ông nội" tới "Bà đỡ"

Đúng vào dịp tôn vinh những người Thầy thuốc (ngày 27-2), Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất kể câu chuyện xúc động: “Tôi vừa mới đón một vị khách đặc biệt - bé trai H.V.N.M (6 tuổi) cùng cha mẹ ghé thăm. Thằng bé đã hồi phục ngoài sức tưởng tượng của tôi. 

Bác sĩ BV Thống Nhất hỗ trợ BV Đa khoa tỉnh Phú Yên trong kĩ thuật chụp mạch vành.

Sau 4 tháng, trải qua một cuộc đại phẫu mà giữa sự sống và cái chết là một lằn ranh quá mỏng manh, giờ cháu khoẻ hoàn toàn, đẹp trai, lanh lợi. Tôi đón cháu từ tay cha mẹ nó, nó ôm chặt lấy cổ tôi và gọi: "Ông nội!", và thơm vào má tôi. Thật không ai có thể hạnh phúc bằng tôi lúc đó! Một niềm vui hạnh phúc hiếm có trong cuộc đời làm bác sĩ của mình.".

GS Nguyễn Đức Công kể lại: Đêm 26-10-2016, khi ấy tôi cũng đang ở trong BV vì mẹ đẻ bị bệnh. Khi đi ngang qua phòng cấp cứu, chợt nghe nhiều tiếng la khóc. Có tiếng người đàn ông nghẹn ngào trong nước mắt: "Con ơi, con chết mất rồi!". 

Tôi nhìn và cũng ớn lạnh cả người! Người cha vẫn còn cởi trần, mặc mỗi quần đùi, bế cậu con trai người bê bết máu. Nhưng bé tỉnh lắm! Gia đình cho biết cháu ngã từ tầng 3 xuống trúng cọc nhọn sắt hàng rào. Chiếc cọc đâm xuyên từ phía sau lưng ra trước ngực".

Ngay lập tức, Giáp sư Công đã chỉ đạo đưa cháu vào phòng mổ gấp nhưng cũng khá bối rối vì đội ngũ anh em chưa gặp một ca trầm trọng như vậy, cũng như chưa bao giờ phẫu thuật cho bệnh nhi. Nhưng anh đã kiên quyết, phải cứu cháu bé! Vị Giám đốc nhấc điện thoại gọi cho Giám đốc BV Nhi Đồng 1, sau đó là gọi cho BS Đào Trung Hiếu - Phó GĐ BV Nhi Đồng 1. Anh chỉ nhớ có nói với BS Hiếu rằng: "Anh phải cứu nó! Anh phải giúp tôi!".

Khi đặt bệnh nhi lên bàn mổ, cả ê kíp gồng mình vì áp lực. Một mặt, hồi sức cho cháu bé, đồng thời bơm máu liên tục. Dừng bơm máu sẽ ngưng tim ngay! Cùng lúc, phải tiến hành khâu vết thương. BS Hiếu cũng vừa chạy qua. Ông yêu cầu "mở ngực" bệnh nhi để nhìn rõ vết thương bên trong!Và  đúng như nhận định, một vết thương thấu tim, phổi đang gây chảy máu cấp khiến bệnh Nhi đã có lúc mất mạch, xen kẽ có cơn ngưng tim. 

Ngay lập tức ê kíp đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương thủng tim (nhĩ phải), khâu vết thương thủng thùy dưới phổi phải, cùng hồi sức tích cực trong lúc mổ. Sau mổ, cả ê kíp vô cùng mừng rỡ vì mạch đã bắt được, huyết áp đã ổn định, cả kíp mổ mừng vô hạn.

Chia sẻ thêm, GS Nguyễn Đức Công nói: "BV Thống Nhất không có khoa nhi, nhưng là một người thầy thuốc, không được phép từ chối bệnh nhân. Trong tình huống đặc biệt nghiêm trọng, nếu chuyển viện, bệnh nhân cầm chắc sẽ tử vong. Như trường hợp 1 sản phụ mà BV cứu được trước đó dù không chuyên Sản khoa. Sản phụ này khi được người nhà đưa vào đang mang thai 9 tháng, trong tình trạng co giật, hôn mê, ngưng tim, ngưng thở. Bệnh nhân bị sản giật nặng, ê kíp trực đã nhanh chóng cấp cứu, đặt nội khí quản để hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp.

Nếu chuyển viện, sẽ tử vong cả 2 mẹ con. Các bác sĩ (BS) đã liên hệ Bệnh viện Hùng Vương nhờ hỗ trợ. Nhưng, trong lúc chờ đợi, ê kíp mổ bắt con của BV Thống Nhất cũng đã sẵn sàng, bệnh nhân được tiến hành gây mê, một BS Ngoại tiêu hóa được chỉ định mổ bắt con. thật may, các BS của BV Hùng Vương có mặt, họ cùng lao vào làm việc khẩn trương, chính xác trong từng đường dao mổ. Kết quả, một bé trai nặng 3,4 kg đã ra đời an toàn. Cả ê kíp thở phào vì đã cứu được cả mẹ và con!

Lấy người bệnh làm trung tâm, để phục vụ

Giáo sư Nguyễn Đức Công trải lòng: "Ngành Y đang nỗ lực hướng tới mục tiêu làm hài lòng người bệnh, tôi nghĩ, bổn phận của người BS là phải tiếp nhận bệnh nhân, không được phép từ chối. Đặt tính mạng bệnh nhân lên trên hết, cứu chữa hết lòng. Đó chính là Y đức. Làm BS cũng là làm khoa học, để cứu người thì phải nắm cho tốt chuyên môn, đó cũng chính là Y nghiệp. Với mỗi Thầy thuốc, Y đức - Y nghiệp phải được thực hiện song song".

Từ một cơ sở vốn chỉ thực hiện nhiệm vụ chính là khám chữa bệnh cho CB Trung - Cao cấp của Đảng và Nhà nước, bảo vệ sức khoẻ cho các vị lão thành Cách mạng Trung ương, qui mô khi mới thành lập chỉ có 400 giường, 16 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng, 1 phòng khám bệnh đa khoa. 

Hiện, BV Thống Nhất đã phát triển qui mô lên 1.200 giường bệnh với 27 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng, 11 phòng chức năng với trên 1.200 CBCNV, bác sĩ. Trong đó có 1 GS, 5 Phó GS và gần 50 Tiến sĩ, BS CKII. Đã có tới 4.000 lượt bệnh nhân/ngày tới khám bệnh tại đây. 

Lão khoa và Tim mạch là những mũi nhọn đột phá về chuyên môn của BV Thống nhất. Riêng về Tim mạch, BV là chuyên gia đầu ngành với việc thực hiện nhiều kĩ thuật tiên tiến hiện đại. Có nhiều kĩ thuật mà nơi đây trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công, như: kĩ thuật cấy máy tạo nhịp tim, kĩ thuật chụp cắt lớp quang học nội mạch (OTC), kĩ thuật vẽ bản đồ điện học trong tim cho bệnh lý mạch vành và loạn nhịp tim phức tạp.

Huyền Nga
.
.
.