"Đột nhập" thủ phủ phế liệu ở Hà Nội

Thứ Tư, 03/10/2018, 20:02

Mới xuất hiện cách đây chưa đến chục năm, nhưng nghề thu mua phế liệu ở thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) đã nhanh chóng trở thành nghề "hái ra tiền" của hơn 100 hộ trong thôn. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh môi trường đang ngày càng trở nên nan giải khi không có "đầu ra" cho phế thải ở đây.


Nghề thu mua phế liệu ở thôn Xà Cầu ban đầu chỉ từ những gánh đồng nát thu mua sắt vụn ngoài Hà Nội và bây giờ thì người dân thu mua ở các tỉnh, thành xung quanh rồi bán đi các nơi khác. Đời sống người dân có khá hơn, họ đã xây được nhà, mua được xe máy... nhưng việc thu mua, chế biến phế liệu lại đem lại hệ luỵ không nhỏ cho môi trường.

Thôn Xà Cầu nằm cách trung tâm Hà Nội 30km lâu nay được mệnh danh là "thủ phủ" phế liệu bởi hàng ngày, hơn 100 hộ gia đình ở đây thu mua và chế biến đến gần 70 tấn phế liệu các loại từ khắp các tỉnh thành lân cận, nhiều nhất là của Hà Nội. Phế liệu thì đủ loại nhưng nhiều nhất là các loại chai nước ngọt, nước khoáng... 
Cái tên "thủ phủ" phế liệu thật không sai chút nào khi ngay đầu thôn, những bao tải chai nhựa, phế liệu các loại được xếp hai bên chờ xe tải đến thu mua. Trung bình một gia đình ở đây thu về ít nhất 3 triệu tiền bán phế liệu, có hộ làm ăn khá hơn thì thu về trên dưới chục triệu.
Đời sống người dân ở đây đi lên từ buôn bán phế liệu nhưng vấn đề vệ sinh môi trường đang ngày càng nan giải. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, kèm theo biện pháp xử phạt hành chính nhưng tình trạng đổ trộm, đốt chất thải bừa bãi vẫn còn tồn tại, gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh.
Ngoài phế liệu như chai nhựa, sắt vụn thì chất thải y tế cũng có khá nhiều.
Bên trong một cơ sở thu mua, chế biến phế liệu. Lao động ở đây chủ yếu là người già, trong đó phụ nữ chiếm tới 80%. Với mức lương 100 nghìn đồng cho 1 tạ phế liệu, nhiều người vẫn có gắng làm thêm dù sức khoẻ không cho phép.
Một số hộ gia đình không có nhân công đã chọn cách thu mua rồi bán cho người thu mua về tự chế biến.
Phụ nữ là lao động chính ở đây, chỉ với con dao dọc giấy và đôi găng tay, họ ngồi hàng giờ cắt mác vỏ chai nhựa. Công việc cứ đều đặn chia làm hai ca, sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều từ 2 giờ đến 6 giờ.
"Ngập" trong phế liệu.
Hàng ngày, xe thu mua phế liệu ra vào thôn tấp nập, có xe đến để chở phế liệu đi nơi khác có nhu cầu...
Với hàng chục tấn phế liệu, rác thải "bủa vây" cuộc sống của người dân như vậy, vấn đề sức khoẻ, vệ sinh môi trường chắc chắn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do mưu sinh, và dễ sống hơn làm ruộng nên nhiều hộ gia đình vẫn chấp nhận.

Phong Sơn(Ảnh)
.
.
.